<img height="1" width="1" style="display:none" src="https://www.facebook.com/tr?id=1718836035006664&amp;ev=PageView&amp;noscript=1">

Kinh Nghiệm Thi Challenges For Growth 2019 Với Phạm Khánh Linh

 Giang_Blog post_870x500 Linh

Xin chào các bạn, mình là Phạm Khánh Linh, hiện đang là sinh viên năm 3 chuyên ngành Kế toán – Kiểm toán theo định hướng nghề nghiệp ACCA, trường Đại học Ngoại thương Hà Nội.

Thời gian qua mình có tham gia cuộc thi “Challenges For Growth” do EY và ICAEW tổ chức và may mắn được lựa chọn trở thành thực tập sinh kỳ Internship của EY. Mình nghĩ sẽ có không ít bạn chưa tìm ra phương pháp phù hợp để chuẩn bị cho những kỳ thi như thế này. Bởi vậy mình hy vọng những chia sẻ dưới đây của mình sẽ có ích với các bạn sinh viên sẽ tham dự cuộc thi vào năm sau.

Content:

1. Cơ duyên nào đã khiến bạn lựa chọn tham gia cuộc thi CFG của EY?

2. Theo bạn cuộc thi CFG năm 2019 có điểm gì khác biệt so với cuộc thi tuyển thực tập sinh của EY tại FTU như TAC?

3. Bạn nhận thấy vòng thi nào khiến bạn ấn tượng nhất trong cả cuộc thi?

4. Phá đảo vòng loại CV của cuộc thi CFG là 1 điều không hề dễ vì rất nhiều ứng viên tham gia đều có năng lực và thành tích rất tốt. Bạn đã chuẩn bị CV của mình như thế nào với vòng loại này?

5. Theo bạn vòng phỏng vấn nhóm và phỏng vấn cá nhân của CFG có khó không? Bạn có thể chia sẻ kinh nghiệm vượt qua vòng phỏng vấn như thế nào được không?

6. Bạn đã chuẩn bị kiến thức chuyên ngành như thế nào trong quá trình thi tuyển CFG?

7. Bạn có nhắn nhủ điều gì với những học viên có mong muốn tham gia kỳ thực tập BIG4 từ năm 2 - năm 3?

1. Cơ duyên nào đã khiến bạn lựa chọn tham gia cuộc thi CFG của EY

Thật ra, phần lớn lý do mình tìm đến với cuộc thi Challenges for Growth là giải thưởng được trở thành thực tập sinh của EY – một trong bốn BIG Kiểm toán mà mình có ấn tượng mạnh mẽ ngày từ những năm đầu đại học. Bên cạnh đó, mình cũng được chứng kiến CLB CFAA đã làm việc với EY trong những chương trình lớn, nên có thể nói EY là BIG cho mình một cảm giác thân thuộc. Lúc đầu mình cũng không đủ tự tin để tham gia cuộc thi đâu. Tuy vậy mình vẫn thi vì coi như đây là một cơ hội để mình thử sức trước kỳ tuyển Internship chính thức.

Về cuộc thi Challenges For Growth (CFG), mình biết đến cuộc thi từ khi còn là sinh viên năm hai. Ngay từ hồi đó mình đã tìm hiểu và xin kinh nghiệm từ anh chị tham gia cuộc thi. Đến khi có thông báo chính thức về cuộc thi Challenges For Growth 2019 trên Diễn đàn sinh viên nhà trường, mình đã được CLB thông báo và ngay lập tức chuẩn bị CV để bắt đầu “chiến đấu”.

Mình nghĩ không nên gọi là cơ duyên mà một phần do mục tiêu mà mình mong muốn sẵn và sự chủ động tìm đến cuộc thi.

2. Theo bạn cuộc thi CFG năm 2019 có điểm gì khác biệt so với cuộc thi tuyển thực tập sinh của EY tại FTU như TAC?

Cả hai cuộc thi đều dành cho sinh viên có định hướng theo ngành Kế toán – Kiểm toán và đều có giải thưởng là suất thực tập cho kỳ Internship của EY. Tuy nhiên, là một người trong BTC của TAC và là thí sinh của CFG, mình nhận ra có khá nhiều điểm khác nhau của hai cuộc thi này.

  • Đơn vị bảo trợ chuyên môn: Đơn vị bảo trợ chuyên môn của TAC (Talented Auditor Cup) là Hiệp hội Kế toán công chứng Anh Quốc ACCA. Còn với CFG, Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) là đơn vị đồng tổ chức cuộc thi với EY. Chính sự khác biệt này dẫn đến cơ cấu giải thưởng và học bổng của hai cuộc thi khác nhau.

  • Thời gian: Cuộc thi Challenges For Growth sẽ được mở đơn chính thức vào tháng 11 hàng năm (như năm vừa rồi là 16/11/2018) và kết thúc vào cuối tháng 1. Cuộc thi Kiểm toán viên tài năng (TAC) sẽ mở đơn chính thức vào tháng 9 hàng năm (như năm ngoái là 17/9/2018) và kết thúc vào đầu tháng 11, gần như trùng vào thời điểm các BIG chuẩn bị tuyển dụng thực tập sinh.

  • Đối tượng dự thi: Mình nghĩ đây là điểm khác biệt cơ bản của hai cuộc thi. Với CFG, cuộc thi chỉ dành cho sinh viên năm ba của trường Đại học Ngoại thương, có điều kiện GPA >3.0 (trên thang 4.0) hoặc >7.0 (trên thang điểm 10.0). Còn với TAC, cuộc thi đã có nhiều năm và quy mô to hơn, dành cho các bạn là sinh viên năm ba, năm tư của các trường đại học trên phạm vi toàn miền Bắc. Như vậy đối tượng dự thi của TAC sẽ đa dạng hơn và tỷ lệ cạnh tranh của TAC vì thế sẽ cao hơn.

  • Quy trình cuộc thi: Với CFG qua năm mùa tổ chức, mình nhận thấy hình thức cuộc thi mô phỏng quá trình EY tuyển dụng (CV – Test off – Group Interview – Personal Interview). Với TAC, do đây là cuộc thi được tổ chức bởi một CLB sinh viên, mình nhận thấy qua các năm hình thức sẽ được đổi mới và sáng tạo hơn nhưng vẫn theo hình thức (Test online – Test offline – Project – Final Round). Do khác biệt về hình thức nên nếu so sánh độ khó của hai cuộc thi cũng không tương xứng. Mình tin là mỗi cuộc thi sẽ cho bạn những trải nghiệm và những bài học rất khác nhau nên đừng ngại thử cả hai nhé.

Timeline Challenges for Growth - 01

Hình 1: Timeline cuộc thi Challenges for Growth 2019

Có thể thấy rằng, cuộc thi năm nay được gói gọn trong chỉ hơn 1 tháng. Thời gian diễn ra sớm và gấp sẽ tạo áp lực chuẩn bị cho các vòng thi đối với các thí sinh.

Đối với cơ cấu giải thưởng, cuộc thi sẽ đem đến hai mươi suất thực tập tại EY cho hai kỳ: tháng 6 - 7 năm 2019tháng 12 đến tháng 2 năm 2020. Ngoài ra, yếu tố hấp dẫn còn nằm ở mười suất học bổng miễn phí mở và duy trì tài khoản cũng như phi thi một số môn ACCA cho Top10 bạn xuất sắc nhất.

3. Bạn nhận thấy vòng thi nào khiến bạn ấn tượng nhất trong cả cuộc thi?

Để lại ấn tượng nhất với mình có lẽ là vòng phỏng vấn cá nhân. Hôm đó mình vừa thi xong ACCA TX/ F6 ở trường. Trời thì mưa nên đến mình đến muộn. Mình đã rất run. Bù lại hôm đó hai người phỏng vấn mình đã tạo không khí thoải mái tưởng chừng như giống một buổi nói chuyện hơn là một buổi phỏng vấn. Tuy nhiên, điều làm mình ấn tượng là những câu hỏi của anh chị. Đầu tiên người phỏng vấn sẽ hỏi những thứ liên quan đến CV. Sau đó, họ sẽ dùng chính câu trả lời của mình để lật ngược lại vấn đề, thậm chí có những câu hỏi mình cũng không ngờ họ sẽ hỏi đến. Khi mình trả lời xong anh chị cũng thẳng thắn chia sẻ về câu chuyện cá nhân.

Không khí cuộc phỏng vấn không căng thẳng đáng sợ như mình nghĩ mà ngược lại thú vị và thoải mái, khiến mình một phần cảm nhận được môi trường làm việc ở đây.

4. Phá đảo vòng loại CV của cuộc thi CFG là 1 điều không hề dễ vì rất nhiều ứng viên tham gia đều có năng lực và thành tích rất tốt. Bạn đã chuẩn bị CV của mình như thế nào với vòng loại này?

Theo mình được biết, vòng loại CV sẽ không loại quá nhiều. Tuy nhiên, đầu xuôi đuôi mới lọt. Mình nghĩ muốn có kết quả tốt thì ngay từ đầu mọi thứ cần chỉn chu nhất có thể. Đặc biệt, cuộc thi CFG còn yêu cầu viết CV và cover letter bằng tiếng Anh. Điều này đòi hỏi bạn phải cẩn thận để không bị mắc những lỗi cơ bản như sai chính tả, font chữ không đều, quá lan hay quá sơ sài.

Ban đầu mình cũng không tự tin khi viết GPA của mình vào CV vì mình biết các bạn sinh viên FTU nhìn chung GPA đều cao. Bù lại mình có các hoạt động ngoại khóa như tham gia câu lạc bộ, tổ chức sự kiện, tham gia các cuộc thi và các công việc part-time nữa. Mình cho rằng CV là căn cứ đầu tiên để nhà tuyển dụng biết về bạn. Từ CV, người phỏng vấn đặt ra câu hỏi trong vòng phỏng vấn cho bạn. Vì thế, mình đưa vào CV những thông tin có chọn lọc và là trải nghiệm thật của mình để nếu có bị hỏi mình sẽ giải đáp được.

Các kỹ năng để viết CV mình có tham khảo ở cuốn Cẩm nang tuyển dụng của SAPP Academy đồng thời mình cũng hỏi cả các anh chị đã thi ở những mùa thi trước để góp ý cho CV của mình được hoàn thiện hơn.

5. Theo bạn vòng phỏng vấn nhóm và phỏng vấn cá nhân của CFG có khó không? Bạn có thể chia sẻ kinh nghiệm vượt qua vòng phỏng vấn như thế nào được không?

Cá nhân mình thấy các vòng phỏng vấn nhóm hay phỏng vấn cá nhân là cơ hội để nhà tuyển dụng hiểu được ứng viên của mình. Bạn cần hiểu rõ yêu cầu của từng vòng là gì hay nhà tuyển dụng muốn gì để các bạn có thể thể hiện tốt nhất.

Vòng phỏng vấn nhóm sẽ diễn ra trong vòng 20 phút. Một nhóm tầm 7 - 10 bạn sẽ được di chuyển qua hai phòng. Ở phòng thứ nhất, nhóm có 5 phút để phác thảo ý kiến của mình về cùng một chủ đề, 10 phút để thảo luận trong team và 5 phút để trình bày trước nhà tuyển dụng. Trong vòng này, nhà tuyển dụng sẽ quan sát cách bạn làm việc nhóm để cùng giải quyết một vấn đề trong thời gian có hạn và khả năng tiếng Anh của mỗi thí sinh.

Câu hỏi phỏng vấn nhóm đều xoay quanh vấn đề xã hội. Để chuẩn bị cho vòng này, mình cùng hai bạn khác đã luyện theo nhóm, lấy bất cứ vấn đề xã hội trên mạng để luyện phản xạ, tư duy logicthuyết trình bằng tiếng Anh.  

Khi thảo luận, bạn nên phân rõ vai trò cho nhau để ai cũng có thể nổi bật điểm mạnh của mình. Hôm đó, để cho công bằng nhóm mình đã chia bài thuyết trình để ai cũng có cơ hội được thuyết trình.

Tóm lại, lời khuyên của mình cho vòng phỏng vấn nhóm:

  • Chuẩn bị tiếng Anh thật tốt và giao tiếp tiếng anh một cách tự tin;

  • Biết lắng nghe, tôn trọng ý kiến của các bạn trong nhóm;

  • Làm quen, thuộc tên các bạn trong team trước để lúc thảo luận không bị căng thẳng hay bỡ ngỡ và có thể chia vai trò một cách hợp lý.

vòng phỏng vấn cá nhân, mỗi bạn sẽ có 25 phút để phỏng vấn với một Partner và một Manager hoặc một Senior bằng tiếng Anh. Tùy vào mức độ chuyên môn của bạn mà nhà tuyển dụng có phỏng vấn kiến thức chuyên ngành không.

Vòng phỏng vấn cá nhân, theo cá nhân mình, là vòng mình thấy thoải mái nhất. Nhà tuyển dụng vẫn bắt đầu bằng những câu hỏi truyền thống như giới thiệu về bản thân và sẽ hỏi những câu hỏi liên quan đến CV của bạn. Mình ấn tượng nhất là việc cứ mỗi lúc mình trả lời xong, người phỏng vấn sẽ dựa vào câu trả lời của mình để hỏi “xoáy” lại từ đó sẽ biết bạn có thật sự hiểu bản thân mình hay có thật sự phù hợp với nghề nghiệp và công ty hay không.

Tuy nhiên, nhà tuyển dụng cũng sẽ hỏi sâu những câu liên quan đến kiến thức chuyên ngành và câu hỏi cũng rất đa dạng ở các môn ACCA vì mình thấy mỗi đứa bạn mình lại bị hỏi về kiến thức ở một môn khác nhau. Điều này đòi hỏi bạn phải hiểu bản chất của  IAS, IFRS, kế toán tài chính, kế toán quản trị hay thậm chí về thuế.

6. Bạn đã chuẩn bị kiến thức chuyên ngành như thế nào trong quá trình thi tuyển CFG?

Để chuẩn bị cho các kiến thức này mình đã phải mất hơn 1 tuần để xem lại một lượt các kiến thức về các môn ACCA mà mình đã từng học (mình đã học từ ACCA AB/F1 đến ACCA TX/F6). Đồng thời mình cũng có nhờ một anh mentor đã có kinh nghiệm thi BIG4 giảng lại những kiến thức mình bị hổng và luyện tập những câu hỏi thường gặp phải trong vòng này.

Kế toán:

Mình tập trung ôn lại 70% kế toán tài chính (là môn ACCA FA/F3ACCA FR/F7 mình học ở trường) và 30% kế toán quản trị (là môn ACCA MA/F2ACCA PM/F5) vì đây không phải thế mạnh của mình.

Thuế:

Lúc thi CFG cũng là lúc mình đang ôn thi F6 nên mình cũng tranh thủ học luôn.

Kiểm toán:

Trong đề cũng có khoảng 10 câu ACCA AA/F8 mà lúc đó mình chưa được học trên trường nên mình dựa chủ yếu vào kiến thức môn Nguyên lý Kiểm toán và anh mentor giảng qua cho mình về F8.

IQ & Writing:

Còn các câu hỏi về IQ Verbal hay kiến thức xã hội mình có tham khảo qua cuốn Cẩm nang tuyển dụng của SAPP để biết dạng đề thôi. Đồng thời mình cũng ôn qua các dạng bài essay IELTS task 2 để làm bài essay trong test offline.

Như mình đã nói, đến vòng Final Interview các giám khảo sẽ hỏi kỹ phần kiến thức chuyên ngành. Bởi vậy bạn không nên chỉ học đủ mà còn cần hiểu rõ bản chất của phần kiến thức đó.

7. Bạn có nhắn nhủ điều gì với những học viên có mong muốn tham gia kỳ thực tập BIG4 từ năm 2 - năm 3?

Với sinh viên năm nhất - năm hai, bạn vẫn còn nhiều thời gian để suy nghĩ về mục tiêu nghề nghiệp của mình. Những câu hỏi như:

  • Có nên làm kiểm toán viên không?

  • Bạn có nên thi vào BIG4 không?

  • Bạn phải làm khi bước vào kỳ thực tập BIG4?

Bạn có thể hỏi những anh chị đi trước để tìm hiểu thêm về nghề và môi trường của các BIG cũng như Non-BIG nhé.

Với những sinh viên năm ba, mình thấy đây là năm học sẽ rất bận và liên tiếp việc thi cử. Nếu bạn đã có mong muốn tham gia kỳ thực tập BIG4 thì bạn nên có phong thái chủ động. Chủ động từ việc học để trau dồi kiến thức, chủ động tìm hiểu về kinh nghiệm thi tuyển từ một người giỏi hơn.

Khi học các môn chuyên ngành Kế toán - Kiểm toán - Thuế hay các môn học ACCA, bạn cần hiểu rõ bản chất.

Cuối cùng, bạn cũng nên trang bị những kỹ năng cần có như kỹ năng viết CV, kỹ năng teamwork, kỹ năng trả lời phỏng vấn và luyện giao tiếp bằng tiếng Anh.

“Practice makes perfect” - Chúc các bạn thành công!

SAPP cảm ơn bạn Phạm Khánh Linh đã dành thời gian chia sẻ trải nghiệm thi cũng như kinh nghiệm thi "Challenges for Growth" của EY Việt Nam. Chúc bạn sẽ đạt được nhiều thành công trên con đường sắp tới!

>>> Xem thêm: 

New call-to-action