<img height="1" width="1" style="display:none" src="https://www.facebook.com/tr?id=1718836035006664&amp;ev=PageView&amp;noscript=1">

Xu Hướng Hợp Nhất Khung Chuẩn Mực Kế Toán Quốc Tế IFRS Tại Việt Nam Và Thách Thức Trong Tương Lai

 

Xu Hướng Hợp Nhất Khung Chuẩn Mực Kế Toán Quốc Tế Tại Việt Nam Và Thách Thức Trong Tương Lai

Sự phát triển nhanh chóng và khách quan của thị trường tài chính quốc tế và các hoạt động thương mại đã vượt ra ngoài biên giới các nước, từ đó các quốc gia trên thế giới xuất hiện nhu cầu cần phải có một hệ thống tiêu chuẩn kế toán chung được chấp nhận rộng rãi trên toàn cầu. Mặc dù chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) vốn được soạn thảo dựa trên khung của chuẩn mực kế toán Quốc Tế (IAS/IFRS) nhưng VAS IFRS vẫn tồn tại nhiều khác biệt điển hình như: tính toán giá trị hợp lý trong kế toán hay quy định về suy giảm giá trị… Sự khác nhau trong hệ thống chuẩn mực này đang trở thành rào cản ngăn cản nguồn vốn đầu tư nước ngoài cũng như cơ hội hợp tác kinh doanh trong thời kỳ toàn cầu hóa. Chính vì vậy, từ tháng 05/2017 - Bộ Tài chính Việt Nam đã đưa ra quyết định hợp nhất chuẩn mực Kế toán quốc tế tại Việt Nam. Điều này mở ra những cơ hội đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, tạo thêm nhiều cơ hội nghề nghiệp tại Việt Nam trong lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán.

Vậy, trong bài viết này, bạn hãy cùng SAPP tìm hiểu về IFRS và những tác động của IFRS trong việc xây dựng và định hình hệ thống chuẩn mực kế toán tại Việt Nam.

1. Vì sao Chuẩn mực kế toán Quốc tế IFRS được ưa chuộng trên thế giới?

Theo thống kê của Hội đồng chuẩn mực Kế toán quốc tế (IASB), tính đến năm 2018 đã có khoảng 166 quốc gia trên thế giới cho phép hoặc yêu cầu áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS cho các doanh nghiệp trong nước. Việc áp dụng IFRS vào chuẩn bị báo cáo tài chính được ủng hộ và hỗ trợ áp dụng bởi tất cả các tổ chức có tầm ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu như nhóm các nền kinh tế lớn - G20, Ngân hàng thế giới (World Bank), Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF)….

Lý do IFRS được ưa chuộng như vậy là bởi vì tính minh bạch mà hệ thống chuẩn mực đem lại, giảm bớt độ chênh lệch giữa thông tin nội bộ và bên ngoài công ty và tăng mức độ tin cậy của thông tin tài chính. Từ đó loại bỏ rào cản thương mại xuyên qua các quốc gia thông qua BCTC và hấp dẫn các nguồn đầu tư nước ngoài.

 Hình 1. Số liệu các khu vực pháp lý đã áp dụng chuẩn mực quốc tế IFRS

Hình 1. Số liệu các khu vực pháp lý đã áp dụng chuẩn mực quốc tế IFRS

2. Lộ trình hội nhập khung chuẩn mực Kế toán Quốc tế IFRS tại Việt Nam của Bộ Tài Chính

Về cơ bản, không thể phủ nhận các tác động tích cực của VAS trong giai đoạn kinh tế trước đây của Việt Nam, tuy nhiên cùng với sự thay đổi của thị trường cùng với bối cảnh nền kinh tế đang trong quá trình hội nhập sâu rộng, việc hợp nhất khung chuẩn mực IFRS là điều tất yếu. Đó là lý do chính mà hiện nayBộ Tài Chính đã có động thái xây dựng lộ trình áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam (VFRS) tuân thủ theo IFRS từ tháng 05/2017 và dự kiến hoàn thành trước 01/01/2025. Cụ thế là đến năm 2020, Bộ Tài Chính sẽ chọn lọc và thí điểm áp dụng 10-20 chuẩn mực kế toán Quốc tế IFRS tại các doanh nghiệp, sau đó tiếp tục tăng lên thành 30 chuẩn mực sẽ được áp dụng vào năm 2023 và cuối cùng là tuyên bố tuân thủ hoàn toàn IFRS vào đầu năm 2025.

Hình 2. Lộ trình áp dụng chuẩn mực kế toán VFRS tại Việt Nam từ năm 2017 đến 2025Hình 2. Lộ trình áp dụng chuẩn mực kế toán VFRS tại Việt Nam từ năm 2017 đến 2025

3. Khó khăn thách thức trong việc đào tạo IFRS tại các trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam

Tuy việc áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế vào các doanh nghiệp Việt Nam đem lại rất nhiều lợi ích, nhưng nhà nước đang gặp phải rất nhiều khó khăn trong quá trình áp dụng lộ trình IFRS. Các khó khăn liên quan đến thị trường hoạt động, hạ tầng cơ sở thông tin, rào cản ngôn ngữ, và quan trọng nhất là thiếu thốn cả về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực đã được đào tạo về IFRS.

Để giải quyết tình trạng cấp bách này, Bộ Tài Chính đã yêu cầu các trường đại học và cao đẳng đổi mới phương pháp đào tạo và giáo trình giảng dạy bộ môn kế toán cho phù hợp với lộ trình áp dụng IFRS. Đấy là theo dự tính của bộ, tuy nhiên thực tế thì hầu hết các trường đại học và cao đẳng vẫn chưa thống nhất được chương trình đào tạo IFRS một cách có hệ thống. Hơn nữa, đội ngũ giảng viên tại các trường đại học vốn quen đào tạo theo chuẩn mực kế toán Việt Nam, chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc giảng dạy Chuẩn mực kế toán Quốc tế. Vì thế đã phát sinh ra nhiều vấn đề về việc kiến thức được truyền tải cho sinh viên theo học chuyên ngành kế toán - kiểm toán hiện nay chưa theo kịp được yêu cầu tuyển dụng của thị trường ngành Kế - Kiểm.

4. Sinh viên nên làm gì để bắt kịp xu hướng nghề nghiệp trong tương lai

Với lộ trình của Việt Nam trong tương lai, các bạn sinh viên sẽ được yêu cầu không chỉ cần biết về chuẩn mực kế toán Việt Nam VAS mà còn cần thông thạo về chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS. Đã có một bộ phận không nhỏ các sinh viên và người mới đi làm chủ động học về Chuẩn mực kế toán IFRS thông qua các chứng chỉ kế toán quốc tế như: ACCA, CPA ÚC, ICAEW... Đây là các chứng chỉ chuyên ngành đào tạo lâu năm và uy tín về hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế, với giáo trình và khung kiến thức được công nhận và đánh giá cao ở nhiều quốc gia lớn trên thế giới.

Với xu thế hiện nay, việc theo đuổi các chứng chỉ này là một điều hoàn toàn cần thiết. Các kiến thức trau dồi được trong quá trình học theo hệ thống chuẩn mực IFRS sẽ hỗ trợ bạn trong công việc tương lai. Dù là làm việc tại các doanh nghiệp nhà nước hay các công ty đa quốc gia, những kiến thức về chuẩn mực IFRS cũng sẽ đều có thể áp dụng thực tiễn vào công việc, bên cạnh các kiến thức về VAS trên trường.

Hơn nữa, nhà tuyển dụng đánh giá cao các ứng viên theo học các bằng cấp quốc tế và coi các chứng chỉ hành nghề này là tiêu chuẩn Vàng cho kiến thức, năng lực cũng như trách nhiệm nghề nghiệp của ứng viên. Chính vì thế, các bạn sinh viên thông thạo cả chuẩn mực VAS và IFRS hiện là là đối tượng được tìm kiếm nhiều nhất trong quá trình tuyển dụng tại các tập đoàn lớn trong nước và quốc tế.

5. Lời kết

Thị trường nghề nghiệp kế kiểm tài chính luôn có xu hướng cập nhật và thay đổi theo từng ngày. Với tư cách là một sinh viên theo đuổi các ngành kinh tế, việc cập nhật kiến thức thường xuyên là điều vô cùng cần thiết. Hãy biết tận dụng thời gian và năng động hơn để làm chủ tương lai của mình nhé!

>>> Đọc thêm:


TẢI NGAY TỪ ĐIỂN 300 THUẬT NGỮ TIẾNG ANH TRONG IFRS TẠI ĐÂY!

Từ điển IFRS SAPP.edu.vn