<img height="1" width="1" style="display:none" src="https://www.facebook.com/tr?id=990286321845477&amp;ev=PageView&amp;noscript=1">

Kinh Nghiệm Học & Thi CFA Level 1 Từ Giảng Viên SAPP Academy - Nguyễn Đức Thái

kinh nghiệm thi CFA Thái

 

Anh Nguyễn Đức Thái hiện đang là Giám đốc đào tạo tại SAPP Academy. Đồng thời, anh cũng là giảng viên quốc dân tại SAPP, với các buổi tối "vượt nghìn cây số" đảm trách các lớp học từ cơ sở Học Viện Tài Chính đến Kinh Tế Quốc Dân, và mỗi chuyến công tác tại Hồ Chí Minh thì không quên ghé thăm các lớp tự học ngoài giờ tại văn phòng. Từng là Trưởng nhóm Kiểm toán và Chuyên gia Tư vấn Quản trị Rủi ro EY Việt Nam, đồng thời là hội viên ACCA, anh Nguyễn Đức Thái vẫn tiếp tục theo đuổi chương trình CFA. Sau khi biết kết quả đỗ kỳ thi CFA level 1 của anh vừa rồi, SAPP đã "bắt cóc" được anh để phỏng vấn một chút kinh nghiệm "vượt vũ môn" của mình.

Q: Động lực khiến anh mong muốn sở hữu một bằng cấp khác ngoài ACCA là gì?

A: Anh có định hướng chuyển qua ngành Tài chính đầu tư sau khi đã tích lũy được lượng kiến thức nền tảng từ ACCA. CFA dạy chuyên về phân tích nên nếu học sẽ khiến mình có năng lực phân tích chuyên sâu hơn.
Để trở thành hội viên CFA thì kinh nghiệm cần có là bốn năm làm việc trong lĩnh vực Tài chính. Trong đó, kinh nghiệm đã tích lũy trong quá trình hoàn thành ACCA của anh vẫn được tính vì hai ngành này đều là Tài chính, chỉ khác ở chỗ ACCA thiên về nền tảng kiến thức chuyên sâu, CFA thiên về kỹ năng phân tích để ra quyết định.

Q: Trước khi thi anh có đặt ra mục tiêu gì cho mình không?

A: Anh chỉ mong thi đỗ thôi vì khối lượng kiến thức thì lớn mà anh vẫn phải đi làm nên không có thời gian để học. Có mấy “câu tủ” thuộc phần phân tích báo cáo tài chính (vì học ACCA với làm Kiểm toán lâu rồi nên không cần học) hy vọng sẽ làm tốt. Kết quả cho ra phần này rất cao và đúng với kỳ vọng, nếu không chắc cũng hơi ngại.

Q: Được biết thi CFA còn nặng hơn cả thi Đại Học, anh cảm nhận thế nào về thời gian học và thi CFA vừa qua?

A: Dài lê thê, vì quả thật phải thi một lần tận 10 môn mà. Cứ ngày nào không đụng vào sách lại thấy nặng nề và sợ trượt nhưng chú tâm học thì công việc lại rối bời. Cũng có lúc anh khá nhởn nhơ vì nghĩ mình cũng đã có nền tảng và có kinh nghiệm. May mắn là tuần cuối anh cũng tranh thủ được một chút thời gian, nhưng nói chung là khoảng thời gian đó dài lê thê chủ yếu là vì sợ.

Q: Với quỹ thời gian giới hạn, mà nội dung thi trải rộng, anh phân bố thời gian ôn tập thế nào cho các phần?

A: Anh ôn chủ yếu từ tối đến đêm, đôi khi dậy được sớm thì ôn tập vào sáng sớm. Trong quá trình ôn tập, thi thoảng anh đi bộ thư giãn hoặc nghe một chút nhạc để “thoát” khỏi bài vở một chút. Thi thoảng anh cũng vào mạng xã hội nhưng khuyến cáo là nên hẹn giờ cho những hoạt động này, không thì rất dễ xao nhãng, một khi lơ là rồi thì rất khó để tập trung lại.

Nội dung thi dàn trải 10 môn về Kinh tế, Xác suất thống kê, Phân tích báo cáo tài chính… giúp thí sinh có cái nhìn toàn diện về việc phân tích trước khi đưa ra các quyết định về đầu tư. Chiến lược của anh là tập trung những phần có tỷ trọng lớn khi thi và những phần là thế mạnh của mình, có thể bỏ qua những phần không chuyên nhưng không để mình hiểu dưới 50% nội dung của các môn đó là được (bởi vì, cho đến hiện tại, CFA chấm điểm như thế nào vẫn là một bí mật).

Với các môn về FRA (Phân tích báo cáo tài chính) thì anh khá tự tin vì đã làm kiểm toán vài năm và có ACCA rồi nên không lo lắm. Với những bạn chưa học qua kế toán thì bảo môn này khá khoai vì có nhiều công thức để nhớ. Bí kíp là nên hỏi anh chị đi làm các công việc liên quan đến chuẩn mực và kiểm toán, nhờ họ review lại cho là sẽ nhanh hiểu thôi. Bên cạnh đó cũng có thể ghi lại toàn bộ công thức theo một logic của riêng mình để ghi nhớ. Tờ tóm tắt công thức cũng là một ý tưởng hay nếu không có thời gian tự tóm tắt.

Với các môn về Đạo Đức thì đọc càng nhiều tình huống càng tốt. Hầu hết các đáp án đều gây nhầm lẫn nhưng nếu đọc nhiều sẽ cho mình cảm giác đúng với các tình huống về đạo đức. Các môn tính toán như Quantitative, Fixed Income, Derivative thì chỉ có cách làm càng nhiều bài tập càng tốt, nhớ nhiều dạng bài sẽ khiến mình nhớ lâu hơn. Kinh tế vi mô và vĩ mô chủ yếu anh đọc sách tiếng Việt rồi suy sang tiếng Anh. Ôn thi các bài về kinh tế cũng không quá khó. Các môn còn lại thì dễ hơn và số lượng điểm ít nên anh có thể dành ít thời gian và nỗ lực ôn hơn.

Q: Bí kíp phòng thi của anh là gì?

A: Buổi thi được tổ chức trong vòng một ngày, bao gồm 6 tiếng thi, bắt đầu từ 9 giờ: buổi sáng 3 tiếng, buổi chiều 3 tiếng với tổng cộng 240 câu hỏi trắc nghiệm. Anh chọn đến trước 30 phút để ổn định tâm lý cho có khí thế cho kỳ thi. Giữa giờ được nghỉ 2 tiếng anh cố gắng đọc tất cả những công thức và kiến thức đã quên để chiến cho buổi chiều. Buổi chiều đề thường khó hơn buổi sáng. Đề thi thì vô cùng rộng và hầu hết chỗ nào cũng ra nên là khá loạn. Thường thì trước khi thi anh đọc lại 1 lượt kiến thức để đảm bảo không quên công thức do có những câu chỉ cần nhớ công thức là được.

Nội dung thi được phân chia khá rõ và không trộn vào nhau, cứ làm hết phần này rồi đến phần khác. Tuy nhiên, nếu khó quá có thể bỏ qua làm các phần dễ trước. Dễ hay khó phụ thuộc khá nhiều vào nền tảng học tập của mọi người. Anh học Kế -Kiểm nên cứ cái gì liên quan đến Kế - Kiểm là anh thấy "dễ thở". Bí kíp phòng thi chỉ là làm nhanh nhưng chắc chắn, chỗ nào không chắc thì dừng lại 1 nhịp để nghĩ chứ không trôi qua ào ào. Những câu không biết thì cứ cố gắng loại đáp án sai chứ đừng khoanh bừa, còn nếu không biết cái nào sai thì đành nhờ may mắn để khoanh chứ không được bỏ trống. CFA rất dễ quên công thức nên anh cũng phải xem lại bảng công thức liên tục trước khi thi. Vậy nên có một vài câu vừa đọc lúc sáng là lúc chiều có trong đề luôn, cảm thấy rất mãn nguyện.

Q: Anh có lời khuyên nào cho các bạn có ý định học thi CFA vào kỳ tới không?

A: Đề thi phân bổ rộng nên chỉ có học hết thôi chứ không tủ được. Nếu muốn được điểm cao thì không được bỏ sót chút nào cả. Có những phần anh đoán nó không ra thì đúng là đề thi buổi sáng không có nhưng đến chiều thì lại “vào cả rổ”. Tốt nhất là học hết chứ không đoán đề.

Tuy nhiên, phần Kế toán tài chính và Phân tích báo cáo tài chính là nền tảng của tất cả các nghề Tài chính nên quan trọng với cả ACCA, hay CFA chăng nữa. Nếu nắm vững thì các bạn có thể có thời gian để ôn tập các nội dung khác.

Q: Theo SAPP quan sát, các bạn sinh viên hiện nay đã nhận thức được tầm quan trọng của các bằng cấp Quốc Tế và theo đuổi từ rất sớm. Anh có sợ mình quá tuổi không? Anh có nghĩ có một độ tuổi nào phù hợp với việc thi CFA không?

A: Mỗi độ tuổi có cái lợi riêng khi theo đuổi, sớm thì có thời gian, muộn thì có kinh nghiệm. Nhưng nói chung, “sớm” sẽ có nhiều cơ hội tốt hơn “muộn”, vậy nên theo anh vẫn sẽ khuyên học từ sớm. Mặt khác, kinh nghiệm có thể có được theo thời gian một cách tự nhiên còn thời gian thì trôi qua nhanh lắm vậy nên càng sớm càng tốt. Một bạn sinh viên vừa ra trường thi đậu CFA có thể thua về kinh nghiệm đối với một senior 30 tuổi nhưng bạn lại có nền tảng vững chắc để có kinh nghiệm thực tế.

Cảm ơn anh đã chia sẻ những trải nghiệm thi thú vị này với SAPP. Chúc anh sẽ thành công với định hướng theo ngành Tài chính - Đầu tư. Ngoài ra, là một kỳ thi CFA level 2 rực rỡ sắp tới!

 


 

Đăng Ký Nhận Tư Vấn Khóa Học CFA

 

New call-to-action