Luyện thi CFA

Hành Trình Dương Tiến Thái Chinh Phục Vị Trí Á Quân “Bản Lĩnh Nhà Đầu Tư 2019”

Written by SAPP Academy | Jan 13, 2020 4:09:30 AM

Cuộc thi "Bản lĩnh Nhà đầu tư" là cuộc thi về lĩnh vực Kinh tế – Tài chính – Chứng khoán dành cho sinh viên có quy mô lớn nhất miền Bắc. Cùng xem bạn Dương Tiến Thái - sinh viên năm 3, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ về hành trình chinh phục vị trí Top 2 và xuất sắc giành Học bổng 80% khóa học CFA của nhà tài trợ SAPP Academy qua bài phỏng vấn dưới đây.

1. Em có cảm nhận gì sau khi tham gia cuộc thi “Bản lĩnh nhà đầu tư”?

Cuộc thi “Bản lĩnh nhà đầu tư” là một cuộc thi về Tài chính - Chứng khoán do Học viện ngân hàng tổ chức. Em cũng có một niềm đam mê với chứng khoán từ năm nhất khi học tại trường Đại học Kinh tế quốc dân và tham gia Câu lạc bộ. Em nhận thấy rằng cuộc thi “Bản lĩnh nhà đầu tư” là cuộc thi giúp cho em vừa ôn tập được các kiến thức về tài chính đã học ở trường, vừa duy trì niềm đam mê về tài chính - chứng khoán của mình. Thông qua đó, em được mở rộng networking với các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, được học hỏi rất nhiều thông tin, kiến thức thú vị và thực tế. Đây là một cuộc thi rất đáng để cho các bạn sinh viên có đam mê và yêu thích tìm hiểu về lĩnh vực tài chính - chứng khoán tham gia. 

2. Thái có thể chia sẻ những kiến thức giúp em vượt qua các vòng thi để giành vị trí Top 2 “Bản lĩnh nhà đầu tư” không?

Kiến thức để vượt qua các vòng thi em nghĩ đơn giản nhất là học các kiến thức về Kinh tế như: Kinh tế vi mô, vĩ mô, Tài chính tiền tệ, Nguyên lý kế toán. Ngoài ra kiến thức về Tài chính cần có là Phân tích báo cáo tài chính, Các chỉ số tài chính,... Đây là cuộc thi về Chứng khoán thì chắc chắn là các kiến thức về Chứng khoán như: Chứng khoán cơ bản, các kiến thức về phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật là phải nắm rõ trong đầu. Đặc biệt là bạn phải biết cách tìm hiểu thực tế về thị trường, về những mã cổ phiếu, nghĩa là những mã cổ phiếu nào tiềm năng, những mã mình đang quan tâm thì biết cách nhận xét, phân tích về cổ phiếu đó.

3. Em có thể chia sẻ cụ thể hơn là những kiến thức, kỹ năng gì cần có trong các vòng quan trọng như Test offline, vòng phỏng vấn tại cuộc thi không?

Vòng Test offline, chủ yếu các bạn sẽ tham gia những phần như Kinh tế vi mô, vĩ mô, Kế toán tiền tệ, Phân tích báo cáo tài chính và có thể có Phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật. Ngoài ra đề sẽ có cả kiến thức thực tế nên các bạn cũng phải cập nhật những thông tin thị trường để giúp các bạn vượt qua vòng thi. 

Đến vòng thứ 3 là vòng giải Case study là vòng BTC sẽ cho thông tin từ 1-2 mã cổ phiếu, mình sẽ phải bóc tách các con số, dự phóng lợi nhuận kết quả, và vòng này tương đối khó. Hai mã cổ phiếu có thể mình không biết một tí nào và chỉ có rất ít thời gian để tìm hiểu về nó. Các câu hỏi trong đó gần như là một bản báo cáo tài chính, bản phân tích tài chính chuẩn mực. 

Vòng đầu tư thực tế bắt buộc phải chuẩn bị từ trước đấy. Hai tuần trước khi diễn ra, BTC sẽ cho bạn khoảng thời gian để đầu tư, bạn sẽ có 1 lượng tiền nhất định và đầu tư vào các mã cổ phiếu, và tất nhiên sẽ phải chọn 1 trong số các mã đấy để thuyết trình. Tốt nhất là bạn nên tìm hiểu rõ và phân tích về mã cổ phiếu đó chi tiết. Vòng cuối cùng gần như là ôn lại các vòng trước  nhưng sẽ khó hơn về các câu hỏi.

4. Thái có nói nhiều về các cụm từ chuyên ngành, vậy không biết trước đó, em có từng tham gia làm thêm hay có từng tham gia đầu tư vào một mã chứng khoán nào đó không?

Em tham gia chứng khoán từ hồi năm nhất và em đã đầu tư từ năm nhất luôn. Hồi đấy em theo học mảng Phân tích kỹ thuật và tự có những nhận định khi xem một mã cổ phiếu. Đến năm thứ 2, em tìm hiểu thêm cả phân tích cơ bản nữa, và song song phân tích kỹ thuật để áp dụng phân tích một cổ phiếu. Đến năm thứ 3 thì em bắt đầu mới xin việc đi làm thêm ở phòng phân tích của một công ty chứng khoán. May mắn khi ứng tuyển ở vị trí khá quan trọng trong công ty, nhà tuyển dụng họ không chú trọng quá nhiều về mặt kinh nghiệm, họ yêu cầu mình phải có kiến thức nền tảng, ngoài ra thì họ mong muốn mình có sự học hỏi những kiến thức mới và áp dụng nhanh nhạy vào công việc.

5. Được biết em có từng tham gia học CFA Level 1. Vậy tại sao khi mình đã đi làm, có thực tế và có phương pháp phân tích kỹ thuật rồi lại quyết định theo đuổi một bằng cấp quốc tế như CFA?

Lựa chọn học CFA của em bắt đầu từ năm thứ 2 khi em tham gia học phân tích cơ bản. Em được biết một trong những chứng chỉ tài chính quan trọng nhất đó là chứng chỉ CFA. Khi em tham gia ngành phân tích thì thấy rằng các anh chị trong công ty ai cũng có tìm hiểu và học về CFA, thế nên em quyết định tìm hiểu và đăng ký học chương trình Level 1 để nâng cao lợi thế cho bản thân. Sau khi giành vị trí Á quân cuộc thi “Bản lĩnh nhà đầu tư” đã giúp em giành được suất học bổng 80% khóa học CFA của SAPP Academy, em sẽ dành nó để đăng ký học các Level còn lại của CFA, để trước khi ra trường, em có một bảo chứng, một lợi thế khi ứng tuyển vào các tập đoàn tài chính lớn.

>>> Xem thêm: Kinh Nghiệm Học & Thi CFA Level 1 Từ Giảng Viên SAPP Academy - Nguyễn Đức Thái

6. Sau khi đăng ký, tham gia học CFA em có cảm thấy hối hận không, hay gặp khó khăn gì không?

Việc quyết định học chứng chỉ CFA cho đến bây giờ em không thấy hối hận bởi vì nó giúp cho mình nhiều hơn là mình thấy lãng phí ở nó. Vì khi em học ở trường các kiến thức như Phân tích báo cáo tài chính, các chỉ số tài chính hay các kiến thức tài chính kinh tế thì chưa thể hiểu sâu được ngay, và khi học CFA em được ôn lại và đào sâu các kiến thức cũ, giúp mình nhớ hơn các chủ đề kinh tế mình đã học trước đó. Tất nhiên khi học có khó khăn vì mình học trên trường chưa kỹ nên khi học CFA có cảm giác hơi bị quá. Sau một thời gian học, mỗi lần mình học sẽ hiểu hơn 1 tí, đặc biệt kiến thức kinh tế trong CFA có thể liên kết được thực tế. 

7. Thái có điều nhắn nhủ gì với các bạn sinh viên đã và đang có những dự định tham gia vào các cuộc thi dành cho sinh viên tài chính không?

Nếu các bạn đã và đang tìm hiểu rồi thì các bạn tiếp tục đam mê và kiên định đi theo con đường mình đã chọn để tham gia vào các cuộc thi và thậm chí sau này đi làm thì tốt nhất là tiếp tục giữ vững ngọn lửa đam mê. Còn các bạn đang và sẽ tìm hiểu về các cuộc thi hoặc các chứng chỉ tài chính thì em có một lời khuyên là: Hãy xác định rõ mục tiêu của mình khi tham gia học là gì, mình có dự định gì trong tương lai về ngành tài chính không hay là mình chỉ học để biết thôi. Mỗi mục đích mình lựa chọn ra sẽ có hướng xử lý khác nhau cho các mục đích đó. 

SAPP cảm ơn bạn Dương Tiến Thái đã dành thời gian chia sẻ trải nghiệm học tập cũng như kinh nghiệm thi “Bản lĩnh nhà đầu tư 2019” của câu lạc bộ SEC Học viện Ngân hàng. Chúc bạn sẽ đạt được nhiều thành công và phát triển hơn nữa trên con đường sự nghiệp sắp tới!

>>> Xem thêm: Top 9 Cuộc Thi Tài Chính Dành Cho Sinh Viên (Phần 1)

>>> Xem thêm: Top 9 Cuộc Thi Tài Chính Dành Cho Sinh Viên (Phần 2)