<img height="1" width="1" style="display:none" src="https://www.facebook.com/tr?id=1718836035006664&amp;ev=PageView&amp;noscript=1">

Tìm Hiểu Về Thuế Giá Trị Gia Tăng – Value Added Tax (VAT)

ADMINISTRACIÓN

 

Thuế giá trị gia tăng (GTGT) có thể nói là sắc thuế gần gũi với đời sống của chúng ta nhất, nó hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày thông qua những hàng hóa, dịch vụ bị đánh thuế GTGT.  

Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quát và dễ hiểu nhất về thuế GTGT theo chương trình học của môn F6 ACCA. Nội dung bài viết sẽ đi qua các phần chính như sau:

 

  1. Thuế giá trị gia tăng là gì?
  2. Những thông tư hướng dẫn luật thuế GTGT
  3. Những điều cần lưu ý trong quá trình học và ôn thi F6 ACCA
  4. Cách tính thuế GTGT trong môn F6 ACCA
  5. Bài tập điển hình về thuế GTGT
  6. Tài liệu giúp bạn học và luyện tập case study thuế GTGT

 1. Thuế giá trị gia tăng là gì?

Là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh từ nhà cung cấp đến người tiêu dùng cuối cùng, người nộp thuế chỉ là người thay thế người tiêu dùng thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước (khấu trừ tại nguồn – đây là một phương pháp quản lý thuế hiệu quả).

 

2. Những thông tư hướng dẫn luật thuế GTGT

 

2.1 Văn bản hợp nhất số 16/VBHN-BTC

Đây là văn bản được sử dụng cho kỳ thi tháng 6 và tháng 12 trong năm 2018. Văn bản này hướng dẫn những quy định chung về thuế giá trị gia tăng, đối tượng áp dụng và các phương pháp tính, kê khai và nộp thuế GTGT. Ngoài ra các quy định về khấu trừ và hoàn thuế cũng được đề cập trong văn bản.

Tuy nhiên từ tháng 5 năm 2018, văn bản hợp nhất được sử sụng để hướng dẫn về luật thuế GTGT là Văn bản hợp nhất số 14 có sửa đổi bổ sung một số điều khoản so với VBHN số 16.

2.2 Văn bản hợp nhất số 17 hợp nhất Thông tư hướng dẫn Nghị định 51/2010/NĐ-CP và 04/2014/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ

2.3 Thông tư 130/2016/TT-BTC hướng dẫn mới về thuế GTGT, TTĐB

2.4 Thông tư 173/2016/TT-BTC sửa đổi, bổ sung khổ thứ nhất khoản 3 điều 15 thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ tài chính

2.5 Thông tư 93/2017/TT-BTC sửa đổi, bổ sung khoản 3, khoản 4 điều 12 thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013

 

3. Những điều cần lưu ý trong quá trình học và ôn thi F6 ACCA

 

Trong quá trình học cũng như làm bài tập: Với mỗi sắc thuế các bạn nên đọc qua luật trước để nắm rõ về phạm vi, đối tượng áp dụng cũng như nội dung tổng quan của luật thuế đó. Sau đó đọc văn bản hợp nhất (VBHN) kết hợp cùng làm past exam để ứng dụng kiến thức và hiểu rõ hơn về việc thi hành luật thuế giá trị gia tăng.

 

Trong quá trình làm bài tập: Khi đi vào chi tiết từng phần nếu không hiểu thì đọc lại nội dung chi tiết của phần đó nằm trong VBHN. Bởi vì VBHN thường có hướng dẫn rõ ràng thông qua ví dụ cụ thể (bao gồm số liệu thực tế). Trường hợp sau khi đọc VBHN nếu vẫn không hiểu thì nên đọc thông tư để có hướng giải quyết chi tiết hơn. Trường hợp tiếp tục không hiểu, các bạn nên tạm thời bỏ qua để dành thời gian cho các phần kiến thức khác. Tránh đầu tư quá nhiều thời gian vào phần kiến thức khó. Thực tế các bạn cũng không nên kỳ vọng mình sẽ hiểu hoàn toàn kiến thức trong môn F6. Một số kiến thức nâng cao khá khó đòi hỏi phải có kinh nghiệm làm việc nhất định mới có thể hiểu. Việc bạn không hiểu một phần nào đó là rất bình thường vì đa số các bạn khác cũng gặp khó khăn tương tự.

Thuế giá trị gia tăng thường sẽ tập trung nhiều vào việc: các đối tượng khác nhau chịu các mức thuế suất khác nhau, do đó trong quá trình học bạn nên chú ý thêm phần này.

 

4. Cách tính thuế giá trị gia tăng

Các bước tính thuế GTGT:

  • Xác định đối tượng chịu thuế GTGT
  • Xác định phương pháp tính thuế
  • Lưu ý các đối tượng không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT
  • Lưu ý các đối tượng không chịu thuế GTGT
  • Xác định mức thuế suất

 

4.1 Phạm vi áp dụng

Đối tượng chịu thuế GTGT là hàng hóa và dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanhtiêu dùng tại Việt Nam (bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ mua của tổ chức, cá nhân nước ngoài). Doanh nghiệp trong nước phải tính thuế GTGT trên giá trị hàng hóa và dịch vụ bán ra.

 

Ngoài ra, hàng hóa nhập khẩu cũng phải chịu thuế GTGT. Doanh nghiệp có nghĩa vụ nộp thuế GTGT khâu nhập khẩu cho cơ quan hải quan cùng với thuế nhập khẩu. Dịch vụ nhập khẩu chịu thuế GTGT theo cơ chế thuế Nhà thầu nước ngoài (NTNN).

 

4.2 Xác định phương pháp tính thuế GTGT

 

 

Phương pháp khấu trừ

Phương pháp tính trực tiếp trên thuế GTGT

Đối tượng áp dụng

Áp dụng cho các cơ sở kinh doanh thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật bao gồm:

·    Cơ sở kinh doanh đang hoạt động có doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ chịu thuế GTGT hàng năm từ 1 tỷ đồng trở lên;

·    Một số trường hợp tự nguyện đăng ký kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ

·         Cơ sở kinh doanh đang hoạt động có doanh thu chịu thuế GTGT hàng năm thấp hơn 1 tỷ đồng;

·         Cá nhân và hộ kinh doanh;

·         Tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh không theo Luật Đầu tư hoặc các tổ chức khác không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật;

·         Cơ sở kinh doanh vàng, bạc và đá quý.

Công thức  tính thuế GTGT

Thuế GTGT phải nộp  =  Thuế GTGT đầu ra (–) Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ

Trong đó:

·    Thuế GTGT đầu ra: Thuế GTGT đầu ra được xác định bằng giá tính thuế của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế (chưa bao gồm thuế) nhân với thuế suất thuế GTGT.

·    Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ: được xác định dựa trên hóa đơn thuế GTGT mua hàng hóa, dịch vụ. Đối với hàng nhập khẩu xác định dựa trên chứng từ nộp thuế GTGT khâu nhập khẩu.

Thuế GTGT phải nộp = GTGT của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế bán ra  (x)  thuế suất thuế GTGT

Một số lưu ý

·    Thuế GTGT đầu ra: Đối với hàng hóa nhập khẩu, giá tính thuế là giá chịu thuế nhập khẩu cộng (+) thuế nhập khẩu (nếu có), cộng (+) thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có), cộng (+) phí bảo vệ môi trường (nếu có);

·    Đối với hàng hóa bán theo phương thức trả góp (trừ bất động sản), giá tính thuế là giá bán trả một lần chưa có thuế GTGT của hàng hóa đó, không bao gồm khoản lãi trả góp, trả chậm

·    Thuế GTGT đầu vào cho hàng hóa, dịch vụ có trị giá từ 20 triệu đồng trở lên chỉ được khấu trừ khi có chứng từ thanh toán qua ngân hàng.

 

 

Note: Phương pháp kê khai thuế GTGT đã lựa chọn phải được duy trì trong 2 năm liên tục.

 

4.3 Các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT

 

Trong các trường hợp sau, doanh nghiệp không phải kê khai nộp thuế GTGT đầu ra trong khi thuế GTGT đầu vào có liên quan vẫn được khấu trừ. Một số trường hợp thường gặp bao gồm:

  • Các khoản thu về bồi thường, tiền thưởng, tiền hỗ trợ, trừ trường hợp trao đổi để thực hiện một số dịch vụ nhất định;
  • Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam mua dịch vụ của tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, cá nhân nước ngoài là đối tượng không cư trú tại Việt Nam và dịch vụ được thực hiện tại nước ngoài, bao gồm: sửa chữa phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị; quảng cáo, tiếp thị; xúc tiến đầu tư và thương mại ra nước ngoài; môi giới bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ ra nước ngoài, đào tạo, một số dịch vụ bưu chính, viễn thông quốc tế;
  • Doanh nghiệp bán sản phẩm nông nghiệp cho doanh nghiệp ở khâu thương mại chưa được chế biến thành sản phẩm khác hoặc chỉ qua khâu sơ chế thông thường;
  • Tài sản cố định được điều chuyển giữa công ty mẹ và công ty con, hoặc giữa các thành viên cùng công ty mẹ;
  • Doanh thu hoa hồng đại lý được hưởng từ hoạt động đại lý bán hàng hoá, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế GTGT;
  • Cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hóa;
  • Hàng hóa đã xuất khẩu sau đó tái nhập khẩu vào Việt Nam trong trường hợp phía nước ngoài trả lại hàng.

 

4.4 Đối tượng không chịu thuế GTGT

Trong trường hợp này, doanh nghiệp không phải nộp thuế GTGT đầu ra không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Hàng hóa và dịch vụ không chịu thuế GTGT theo quy định bao gồm:

  • Hàng hóa/dịch vụ cung cấp bởi các cá nhân có thu nhập dưới 100 triệu đồng/năm;
  • Một số sản phẩm nông nghiệp;
  • Chuyển nhượng vốn;
  • Kinh doanh ngoại tệ;
  • Một số dịch vụ bảo hiểm (bao gồm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nông nghiệp và tái bảo hiểm);
  • Dịch vụ y tế; dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật;
  • Dạy học, dạy nghề;
  • Chuyển giao công nghệ, phần mềm và dịch vụ phần mềm, ngoại trừ phần mềm xuất khẩu được hưởng thuế suất 0%;
  • Thiết bị, máy móc, vật tư trong nước chưa sản xuất được được nhập khẩu để sử dụng trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ;
  • Thiết bị, máy móc, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng và vật tư trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò và phát triển các mỏ dầu và khí đốt;
  • Hàng hóa nhập khẩu trong các trường hợp sau đây: hàng viện trợ quốc tế không hoàn lại, bao gồm cả hàng viện trợ từ chương trình Viện trợ Phát triển Chính thức, tặng phẩm của tổ chức nước ngoài cho các cơ quan chính phủ và cho các cá nhân (theo quy định);
  • Phân bón, thức ăn cho gia súc, gia cầm, thủy sản và thức ăn vật nuôi khác, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

 

4.5 Xác định mức thuế suất

Có 3 mức thuế suất được áp dụng: 0%, 5%, 10%. Tùy từng đối tượng sẽ chịu một mức thuế suất khác nhau:

 

0%

Mức thuế suất này áp dụng cho hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu bao gồm cả hàng hóa/ dịch vụ bán ra nước ngoài/ bán trong khu phi thuế quan và tiêu dùng bên ngoài Việt Nam/ trong khu phi thuế quan, hàng gia công chuyển tiếp hoặc xuất khẩu tại chỗ (theo quy định), hàng hóa bán cho cửa hàng miễn thuế, một số dịch vụ xuất khẩu, hoạt động xây dựng và lắp đặt công trình cho doanh nghiệp chế xuất, dịch vụ hàng không, hàng hải và vận tải quốc tế.

5%

Mức thuế suất này thường áp dụng cho các ngành và lĩnh vực của nền kinh tế có liên quan với việc cung cấp các loại hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, bao gồm: nước sạch; dụng cụ giảng dạy; sách; thực phẩm chưa qua chế biến; thuốc chữa bệnh và trang thiết bị y tế; thực phẩm chăn nuôi; một số sản phẩm và dịch vụ nông nghiệp; dịch vụ khoa học và công nghệ; mủ cao su sơ chế, đường và các phụ phẩm; một số hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao và nhà ở xã hội

10%

Đây được coi là mức thuế suất "phổ thông" áp dụng cho các đối tượng chịu thuế GTGT nhưng không được hưởng mức thuế suất 0% hoặc 5%.

 

Nếu không xác định được một mặt hàng thuộc loại hàng hóa nào theo biểu thuế quy định, thì doanh nghiệp phải tính và nộp thuế GTGT theo mức thuế suất cao nhất cho loại hàng hóa mà doanh nghiệp cung cấp.

 

 

5. Bài tập điển hình về thuế GTGT

VRF Ltd is a Vietnamese company specialising in the manufacture of instant noodles for both domestic sale and export. Domestic sales and exports of instant noodles are subject to value added tax (VAT) at the rates of 10% and 0%, respectively. VRF Ltd frequently applied for and received the VAT refund up to and including May 2016. The total amount of the VAT refund VRF Ltd received for May 2016 was VND4,770 million. The company’s VAT declaration in May 2016 was as follows:

 

  • Input VAT carried forward from April 2016 (for both domestic sales and exports): VND30 million
  • Total input VAT incurred during May 2016 (for both domestic sales and exports): VND9,600 million

 

Due to the change in the VAT regulations according to Circular 130/2016, VRF Ltd ceased all VAT refund applications in June and July 2016, but in August 2016 the company reconsidered and applied for a VAT refund of the input VAT arising in June 2016, following the new principles for VAT refund set out in Circular 130/2016. The total creditable input VAT arising during June 2016 was VND4,000 million (not including any amount carried forward from May 2016), which VRF Ltd could not separate between domestic sales and exports.

 

The following information (exclusive of VAT, where applicable) is available for the months of May and June 2016:

 

 

Revenue from domestic sales

Revenue from exports

 

VND millions

VND millions

May 2016

16,800

25,200

June 2016

60,000

32,200

 

Required:

(a) Determine by calculation whether the value added tax (VAT) refund received by VRF Ltd for May 2016 was or was not correct, and calculate (in VND millions) the amount of input VAT, if any, which can be carried forward to subsequent periods, following the VAT refund principles set out BEFORE Circular 130/2016 came into effect.

(5 marks)

(b) Estimate (in VND millions) the amount of the VAT refund which VFR Ltd can apply for in June 2016, if the refund application is required to follow the VAT refund principles set out in Circular 130/2016.

(5 marks)

Notes:

  1. In both parts of the question, the ratio for the allocation of input VAT between domestic sales and exports should be calculated in whole percentages (i.e. rounded to zero decimal).
  2. You should assume that all the input VAT amounts are valid and supported by proper documents.

 

6. Tài liệu giúp bạn học và luyện tập case study thuế GTGT

  • Pocket 2018 PwC
  • Past exam
  • Thông tư hướng dẫn thuế GTGT
  • Luật, VBHN quy định về thuế GTGT

 

7. Lời kết

Trên đây là bài viết tổng quan về thuế GTGT và cách tính thuế GTGT theo cách tiếp cận của F6 ACCA, dựa trên văn bản pháp luật quy định của Bộ Tài chính. Với cách tiếp cận này, các bạn có thể dễ dàng nắm bắt được bản chất và phương pháp tính thuế GTGT. Chúc các bạn có một kỳ thi F6 thành công!

 

>>> Xem thêm:

[KHAI GIẢNG] KHÓA HỌC F6/TX ACCA - TAXATION: THUẾ VIỆT NAM

New call-to-action