<img height="1" width="1" style="display:none" src="https://www.facebook.com/tr?id=1718836035006664&amp;ev=PageView&amp;noscript=1">

So Sánh Cơ Hội Nghề Nghiệp Giữa Ngành Kế Toán, Kiểm Toán, Thuế Hay Tài Chính?

 Kế toán, kiểm toán, thuế hay tài chính-01

Đối với sinh viên Kế toán - Kiểm toán - Tài chính mới ra trường hiện nay, bạn có rất nhiều lựa chọn để khởi đầu nghề nghiệp của mình. Theo báo cáo “Nhu cầu nhân sự tại Việt Nam 2018” từ Vietnamworks, ngành Kế toán - Kiểm toán - Tài chính/ Đầu tư - Pháp lý đều nằm trong Top 10 ngành có nhu cầu tuyển dụng cao nhất tạo nguồn cầu nghề nghiệp dồi dào cho các sinh viên mới ra trường. Vậy, cơ hội phát triển với từng ngành nói riêng và nói chung là gì? Lộ trình thăng tiến đối với từng ngành ra sao? Cuối cùng, đối với sinh viên, bạn cần chuẩn bị gì để đón đầu những cơ hội tuyển dụng tốt nhất sau khi ra trường?

Bài viết này chính là lời giải đáp, mang đến cho người đọc góc nhìn tổng quan về cơ hội việc làm trong ngành Kế toán - Kiểm toán - Tài chính - Thuế tại Việt Nam.

1. Khái niệm về ngành Kế toán - Kiểm toán - Thuế - Tài chính

Đã có rất nhiều sự kiện định hướng nghề nghiệp trong ngành Kế toán - Kiểm toán - Tài chính - Thuế, giúp học viên định hướng rõ ràng hơn lựa chọn nghề nghiệp của mình và phát triển năng lực phù hợp. Tuy nhiên, đa số sinh viên khi mới ra trường không hề biết công việc thực tế mình sẽ làm là gì. Mỗi ngành sẽ có một đặc thù công việc riêng. Việc chuẩn bị cho mỗi công việc yêu cầu bạn hiểu rõ bản chất nghề nghiệp bạn lựa chọn.

1.1. Kế toán

Kế toán là công việc ghi chép, thu nhận, xử lý và cung cấp các thông tin về tình hình hoạt động tài chính của một tổ chức, một doanh nghiệp, một cơ quan nhà nước, một cơ sở kinh doanh tư nhân…

Kế toán được chia thành hai loại:

  • Kế toán công: là kế toán tại những đơn vị hoạt động không có tính chất kinh doanh, không lấy doanh lợi làm mục đích hoạt động như các tổ chức đoàn thể xã hội, các tổ chức nhà nước...
  • Kế toán doanh nghiệp: là loại kế toán ở các doanh nghiệp, hoạt động với mục tiêu chính là kinh doanh sinh lời.

Những vị trí tiêu biểu của ngành kế toán gồm: Kế toán phần hành, kế toán tổng hợp, kế toán quản trị, điều tra kế toán.

1.2. Kiểm toán

Kiểm toán là việc nghiên cứu và kiểm tra các tài khoản hàng năm của một hay nhiều kiểm toán viên để khẳng định những tài khoản của doanh nghiệp phản ánh đúng đắn tình hình tài chính thực tế, không che giấu sự gian lậnđược trình bày theo mẫu chính thức của pháp luật quy định.

Nếu phân loại công việc của ngành kiểm toán, ta có thể phân chia theo hình thức tổ chức và mục đích hoạt động:

Nếu dựa vào hình thức tổ chức, kiểm toán có ba loại:

  • Kiểm toán độc lập;
  • Kiểm toán nội bộ;
  • Kiểm toán nhà nước.

Nếu dựa vào mục đích hoạt động thì kiểm toán có ba loại:

  • Kiểm toán hoạt động;
  • Kiểm toán tuân thủ;
  • Kiểm toán Báo cáo tài chính.

Những vị trí tiêu biểu của ngành Kiểm toán tại Việt Nam là: Kiểm toán độc lập (BIG4 & Non-BIG), kiểm toán nội bộ (Lotte, LG, Petrolimex…), kiểm soát nội bộ (làm việc tại các Ngân hàng (Techcombank, Vietcombank…), kiểm toán nhà nước.

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kiểm toán tư nhân (như BIG4 & Non-BIG) sẽ chia nhỏ công việc kiểm toán theo các dịch vụ:

  • Tài chính
  • Bán lẻ
  • Chính phủ
  • Ngành công nghiệp

>>> Tìm hiểu thêm: 05 nấc thang thăng tiến sự nghiệp trong nghề kiểm toán độc lập 

1.3. Thuế

Thuế là những khoản (được coi trách nhiệm cũng là nghĩa vụ) mà các thành phần trong nền kinh tế phải nộp vào ngân sách Nhà nước.

Theo tính chất, thuế được chia thành hai loại: thuế trực thu và gián thu.

Tuy nhiên, căn cứ theo đối tượng đánh thuế, thuế sẽ được phân ra rất nhiều loại sắc thuế: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế nhà thầu, thuế giá trị gia tăng...

Trong khi đó, người làm Tư vấn Thuế sẽ tập trung giải quyết hai vấn đề:

  • Lập kế hoạch: Giải quyết cơ cấu thuế, đưa ra lời khuyên và chiến lược liên quan đến thuế cho doanh nghiệp;
  • Tuân thủ thuế: Tính toán trách nhiệm thuế và hoàn thành tờ khai thuế cho khách hàng.

Hai mảng công việc này sẽ được thực hiện định kỳ. Tuy nhiên việc lập kế hoạch thuế cần nhiều thời gian nghiên cứu về khách hàng, hệ thống luật.

Các công ty tư vấn thuế chia nhỏ mảng dịch vụ thành các bộ phận chuyên môn: VAT, thuế công ty, thuế vốn theo loại ngành.

>>> Tìm hiểu thêm: Cơ hội nghề nghiệp và lộ trình thăng tiến trong nghề Tư vấn Thuế

1.4. Tài chính

Tài chính là lĩnh vực có các hoạt động liên quan đến quản lý, phân tích dòng tiền; từ đó đưa ra những quyết định chiến lược nhằm tối ưu hóa mục tiêu của công ty.

Có nhiều cách phân chia tài chính ra làm các phân ngành nhỏ hơn. Cách đầu tiên là phân loại tài chính thành các hệ thống tài chính (tài chính doanh nghiệp và tài chính công) và các công cụ tài chính liên quan đến tài sản (assets) và vốn (liability).

Theo một góc nhìn khác, tài chính gồm có tài chính công, tài chính doanh nghiệp và tài chính cá nhân.

Những vị trí tuyển dụng tiêu biểu với ngành Tài chính tại Việt Nam là: Ngân hàng (ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại), các tập đoàn đầu tư bất động sản (VinGroup, FLC…); các quỹ đầu tư vốn cổ phần cá nhân (Dragon Capital, Mekong Capital, VinaCapital,..); các bộ phận tài chính của các tập đoàn (CFO/ Corporate Finance của Kido Group, Tập đoàn Unilever...) hoặc các công ty bảo hiểm (Prudential, Liberty Insurance).

(Theo nguồn: financematerials.com)

Tương tự với mảng Tư vấn Thuế, phần lớn thời gian làm việc của bộ phận Advisory (tư vấn) là ở trong công ty và chúng được chia nhỏ thành các bộ phận chuyên trách đặc thù (Tài chính doanh nghiệp, tư vấn, dịch vụ giao dịch…).

2. Lộ trình thăng tiến nghề nghiệp với từng ngành

Cơ hội thăng tiến nghề nghiệp với từng ngành bao gồm:

2.1. Kế toán

 

Lộ trình thăng tiến ngành kế toán

 Hình 1: Lộ trình phát triển nghề nghiệp ngành Kế toán. *Nguồn: Payscale

Trong ngành kế toán, bạn có thể phát triển nghề nghiệp lên các vị trí cấp cao liên quan đến Kế toán - Tài chính - Thuế - Quản trị gồm:

  • Phân tích số liệu tài chính;
  • Kế toán trưởng;
  • Quản lý quỹ;
  • Kế toán công chứng;
  • Giám đốc kế toán - tài chính;
  • Quản lý vận hành tài chính;
  • Trợ lý quản lý tài chính.

2.2. Kiểm toán

Lộ trình thăng tiến ngành kiểm toán

Hình 2: Lộ trình phát triển nghề nghiệp ngành Kiểm toán. *Nguồn: Payscale

Trong ngành Kiểm toán, bạn có thể thăng tiến và phát triển nghề nghiệp trong các ngành liên quan tại các vị trí bao gồm:

  • Kế toán tổng hợp;
  • Quản lý quỹ;
  • Trưởng nhóm kiểm toán;
  • Kiểm toán nội bộ;
  • Kế toán trưởng;
  • Giám đốc Kế toán - Tài chính;
  • Giám đốc Tài chính;
  • Kế toán công chứng.

2.3. Thuế

Ngành thuế mang lại cơ hội nghề nghiệp cho bạn trong vị trí:

  • Tư vấn thuế;
  • Kế toán thuế;
  • Công chức Thuế tại tổng cục thuế.

Riêng với ngành tư vấn thuế bạn có thể phát triển lộ trình thăng tiến như sau:

Lộ trình thăng tiến ngành tư vấn thuế

Hình 3: Lộ trình thăng tiến ngành Tư vấn Thuế tại BIG4

2.4. Tài chính

Trong những năm gần đây, ngành tài chính là một xu hướng tuyển dụng nhân sự mới nổi với nhiều người đi làm. Lộ trình thăng tiến của ngành này có thể như sau:

Lộ trình thăng tiến ngành Tài chính

Hình 4: Lộ trình thăng tiến ngành Tài chính. *Nguồn: Financematerials 

Tại Việt Nam, ngành tài chính còn rất mới do nền kinh tế thị trường khai sơ, hệ thống đầu tư chứng khoán chưa phát triển mạnh mẽ. Ngoài ra bản thân ngành này được biết đến là vô cùng cạnh tranh và có tỷ lệ nhận việc thấp nhất trong các ngành liên quan. Vì thế, đối với sinh viên tại Việt Nam, cơ hội làm việc ngay trong ngành tài chính khi mới ra trường thường khá hiếm. Tuy nhiên ngành kiểm toán lại mang nhiều cơ hội việc làm cạnh tranh tại các vị trí cấp cao. Chính vì vậy, để theo ngành Tài chính/ Đầu tư bạn có thể bắt đầu từ các công việc của ngành Kế toán và Kiểm toán sau đó theo đuổi tiếp lên ngành Tài chính. (Trích từ: Financematerials)

3. Mức lương tăng trưởng của mỗi ngành

Năm 2018 chứng kiến sự tăng trưởng nhanh trong mức lương của ngành Kế toán - Kiểm toán - Tài chính - Thuế - Ngân hàng. Với các vị trí quản lý cấp cao mức lương tăng trưởng rất nhanh đặc biệt là vị trí Giám đốc Kế toán - Tài chính.

3.1. Mức lương với năm kinh nghiệm

Dựa vào khảo sát mức lương của Vietnamworks, mức lương theo vị trí và kinh nghiệm của ngành Kế toán - Kiểm toán - Tài chính - Thuế - Ngân hàng sẽ có sự dao động khá lớn. Riêng với ngành Tài chính, mức lương tại vị trí quản lý cấp cao có sự cách biệt rõ ràng với các ngành còn lại.

  • Với người mới ra trường, không yêu cầu kinh nghiệm, mức lương dao động từ 200 - 350 USD (năm đến tám triệu) trong ngành Kế toán - Kiểm toán - Tài chính - Thuế.
  • Với vị trí chuyên viên từ hai đến bốn năm kinh nghiệm, mức lương dao động từ  500 - 800 USD.
  • Với vị trí cấp quản lý (trưởng nhóm, giám sát, quản lý) trở lên mức lương dao động từ 700 - 3500 USD.  

Nhóm ngành tài chính đầu tư cũng có mức thu nhập cao hơn hẳn so với tài chính ngân hàng đối với những vị trí quản lý cấp cao. Nguyên nhân nằm ở việc công việc đầu tư (nhất là đối với những vị trí cấp cao chủ chốt) luôn gắn liền với những quyết định rủi ro hơn.

Mức lương theo kinh nghiệm của ngành Kế toán - Tài chínhcĐầu tư - Ngân hàng năm 2019

Hình 5: Mức lương theo kinh nghiệm của ngành Kế toán - Tài chính/Đầu tư - Ngân hàng năm 2019. *Nguồn: Khảo sát lương người tìm việc năm 2019 tại Việt Nam - Vietnamworks HR Insider

3.2. Phân bố theo khu vực

Mức lương theo khu vực

Hình 6: Mức lương dao động theo khu vực ngành Kế toán - Kiểm toán - Tài chính - Thuế - Ngân hàng năm 2018. *Tổng hợp từ nguồn: Vietnam Salary Guide 2018 - First Alliances

Nhìn chung về mặt hai khu vực Hà Nội & Hồ Chí Minh thì mức lương của Hồ Chí Minh cao hơn Hà Nội do mức sống cao và quy tụ nhiều doanh nghiệp lớn, cũng như thị trường nhân sự phát triển dồi dào hơn.

Nhóm ngành Kiểm toán, Thuế, Tài chính không có sự chênh lệch đáng kể về mức lương cho cùng một vị trí ở hai khu vực. Tuy nhiên, có sự chênh lệch đáng kể đối với những vị trí nhất định giữa hai khu vực. Ví dụ vị trí Financial Analyst đối với một ứng viên có từ hai đến sáu năm kinh nghiệm ở Hà Nội có mức thu nhập từ 800 USD đến 2,000 USD trong khi khu vực Hồ Chí Minh có con số lên tới 1,400 USD đến 2,500 USD. Đối với những bạn có hứng thú với công việc này, Hồ Chí Minh có vẻ là điểm đến được ưa chuộng hơn vì mức đãi ngộ vô cùng hấp dẫn.

Vị trí Finance Manager cũng có vẻ được ưu ái hơn đối với Hồ Chí Minh khi chỉ yêu cầu số năm kinh nghiệm từ tám đến mười hai năm trong khi ở Hà Nội là mười đến mười bốn năm với mức lương tương đương nhau.

4. Phát triển chuyên môn và kỹ năng cần thiết cho công việc

Phát triển sự nghiệp trong ngành Kế toán - Kiểm toán - Tài chính - Thuế cần sự đầu tư bài bản và dài hạn. Do nhiều vị trí quản trị và chuyên môn cấp cao yêu cầu nhân sự có kinh nghiệm từ tám đến hai mươi năm kinh nghiệm.

4.1. Chuyên môn

Trong thời đại hội nhập quốc tế, nhiều hoạt động giao thương quốc tế diễn ra đồng thời cùng một lúc. Các doanh nghiệp Việt Nam và Quốc tế đều có mong muốn phát triển các khung chuẩn mực chuyên mônđào tạo là tiêu chuẩn chung cho chất lượng công việc.

Để trở thành nhân sự chuyên môn trong lĩnh vực này, bạn không thể thiếu việc phát triển chuyên môn bài bản theo các chương trình đào tạo quốc tế, được phát triển và đào tạo tại hầu hết các quốc gia trên thế giới. Mười chương trình đào tạo hành nghề uy tín trong ngành Kế toán - Kiểm toán - Tài chính - Thuế có thể kể đến tại Việt Nam bao gồm:

  • ACCA - Certified Public Accountant - Kế toán công chứng Anh Quốc;
  • CPA Úc - Kiểm toán độc lập;
  • CPA Việt Nam - Kiểm toán độc lập;
  • CFA - Chartered Financial Analyst - Phân tích đầu tư tài chính;
  • CIMA - Chartered Institute of Management Accountants - Kế toán quản trị công chứng Anh Quốc;
  • CIA - Certified Internal Auditor - Kiểm toán nội bộ công chứng Hoa Kỳ;
  • CMA - Certified Management Accountant - Kế toán quản trị Hoa Kỳ;
  • Chứng chỉ kiểm toán thực hành do VACPA chứng nhận;
  • Chứng chỉ kiểm toán nội bộ do VACPA chứng nhận.

4.2. Kỹ năng

Đối với nhân sự ngành Kế toán - Kiểm toán - Tài chính - Thuế, một vài gợi ý về nhóm kỹ năng cần có cho từng ngành bao gồm:

  • Kế toán: Excel, Accounts receivable, Account payable, Financial reporting, Bookkeeping;
  • Kiểm toán: Office, Excel, Audit, Data analysis, Financial analysis;
  • Thuế: Tax compliance, Tax consulting, Tax preparation;
  • Tài chính: Excel, Financial analysis, Data analysis, Financial reporting, Accounting.

5. Lời kết

Việc lập mục tiêu từ sớm sẽ giúp bạn có sự định hướng rõ ràng cho sự nghiệp của mình. Một bài toán dài hạn trong năm tới mười năm thay vì chỉ hai hay ba năm. Điều này cũng mang lại sự cam kết lâu dài cho sự nghiệp của bạn.

Trên đây là những tổng hợp của SAPP Academy về cơ hội nghề nghiệp trong ngành Kế toán - Kiểm toán - Tài chính - Thuế. SAPP chúc bạn sẽ đạt được mục tiêu của mình.

>>> Xem thêm:

New call-to-action