<img height="1" width="1" style="display:none" src="https://www.facebook.com/tr?id=1718836035006664&amp;ev=PageView&amp;noscript=1">

Giám Đốc Bộ Phận Tư Vấn Thuế KPMG Bật Mí Lộ Trình Thăng Tiến Trong "Line" Thuế

 

Tư vấn Thuế là một công việc có sức hút không kém gì Kiểm toán. Thuế là mảng công việc đặc thù vì quy định Thuế ở mỗi nước là hoàn toàn khác nhau. Mặc dù không phải đi công tác nhiều như Kiểm toán, nhưng làm Tư vấn Thuế cho bạn cơ hội được làm việc với những doanh nghiệp FDI, tập đoàn lớn của nước ngoài, v.v. Chính vì vậy, lượng ứng viên ứng tuyển vào vị trí Tư vấn Thuế tập sự (Tax Consultant Intern) hay Trợ lý tư vấn thuế (Tax Assistant) không thua kém gì mảng Kiểm toán. 

Cùng tìm hiểu rõ hơn ngành Thuế và cơ hội nghề nghiệp cũng như lộ trình thăng tiến trong nghề Tư vấn Thuế với anh Phan Hoài Nam - Tax  Director tại KPMG Việt Nam nhé!

 

Blog ACCA_1200x628-2

 

1. Chào anh Nam, anh có thể giới thiệu một chút về bản thân được không? 

Anh tốt nghiệp Đại học với tấm bằng Cử nhân Quản trị kinh doanh vào cuối năm 2009. Sau khi tốt nghiệp, anh may mắn được nhận vào làm cho bộ phận Tư vấn Thuế của KPMG, vị trí Trợ lý Tư vấn thuế (Tax Assistant). Sau đó, anh tốt nghiệp thêm một trường Đại học nữa với tấm bằng Cử nhân Luật. Hiện nay anh đang giữ chức vụ Tax Director (Giám đốc) tại bộ phận Tư vấn Thuế của KPMG.

Cũng như nhiều bạn khác, lúc tốt nghiệp Đại học, anh có tham gia phỏng vấn rất nhiều công ty lớn của nước ngoài với nhiều vị trí khác nhau với mong muốn đơn giản là kiếm được một công việc tốt sau khi ra trường. Việc đậu vào KPMG cũng như gắn bó với nghề thuế trong gần 12 năm qua có lẽ là do duyên số và may mắn nữa (cười).

 

2. Tư vấn Thuế vẫn còn là ngành khá mới ở Việt Nam, chưa có nhiều trường Đại học bài bản về ngành này. Vậy trước đây anh đã chuẩn bị những gì để có thể yêu và đi cùng ngành mình chọn đến tận bây giờ?

Thực ra khi mới ứng tuyển, thông tin của anh về nghề này là rất hạn chế. Thời điểm 12 năm về trước không có nhiều thông tin như bây giờ. Cho nên sự chuẩn bị của anh chỉ đơn giản là chuẩn bị về mặt tinh thần và sự tự tin. Lúc đó anh nghĩ chỉ cần có tự tin và lòng quyết tâm thì anh sẽ làm được. Bây giờ nhớ lại thời điểm đó, có vẻ anh chẳng có gì nhiều ngoài sự tự tin cả.

Tuy nhiên, việc mình không được đào tạo bài bản về Thuế ở trường Đại học thực ra cũng không phải là vấn đề gì lớn. Khi đi làm, mình chủ yếu học qua công việc (learning on jobs) và học từ các khoá đào tạo do Công ty tổ chức.

Riêng ở KPMG, khâu đào tạo về kiến thức chuyên môn lẫn các kỹ năng mềm được chú trọng đầu tư rất bài bản, hiệu quả và có hệ thống. Hơn nữa, các bạn mới vào luôn được các anh chị hướng dẫn hết sức nhiệt tình, cởi mở và thân thiện qua công việc hàng ngày. Nhờ vậy mà tất cả mọi người khi vào làm, không phân biệt ngành học hoặc kinh nghiệm, đều có cơ hội được học hỏi và trải nghiệm qua công việc thực tế hằng ngày.

Điều quan trọng nhất là bản thân mỗi chúng ta cần hình thành và nuôi dưỡng niềm đam mê với nghề thuế để có thể đi cùng ngành mình chọn. Để làm được điều này, chúng ta phải thực sự nỗ lực hết mình trong công việc, rèn luyện khả năng chịu áp lực tính kiên nhẫn.

videoblocks-tax-advisor-animated-word-cloud-text-design-animation_hyzwrvbcae_thumbnail-full02

3. Theo anh, các bạn sinh viên cần học và trau dồi những kỹ năng gì để có thể trở thành Tư vấn viên Thuế chuyên nghiệp tại KPMG và các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam?

Như anh đã nói, kiến thức chuyên môn có thể được học rất nhiều thông qua công việc thực tế và quá trình đạo tạo tại Công ty. Tuy nhiên, nếu các bạn sinh viên có nền tảng kiến thức tốt về Kế toán và Thuế thì sau khi đi làm sẽ thuận lợi cho quá trình học hỏi hơn. Do đó, các khoá học như ACCA chắc chắn sẽ giúp ích cho các bạn rất nhiều.

Điều quan trọng hơn anh muốn nhắn nhủ là các bạn sinh viên nên rèn luyện và phát triển các kỹ năng mềm như: kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng xử lý vấn đề, đương đầu với áp lực, quản lý thời gian, kỹ năng ngôn ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh)... Ngoài ra, các bạn cũng nên quan tâm và nghiên cứu các vấn đề kinh tế - xã hội hàng ngày vì tất cả những vấn đề đó, dù ít hay nhiều, đều ảnh hưởng đến công việc Tư vấn Thuế hằng ngày của mình.

 

4. Anh có thể giúp các bạn sinh viên tưởng tượng được các nấc thang nghề nghiệp tại vị trí Tư vấn Thuế không?

Mỗi công ty có thể có các nấc thang nghề nghiệp khác nhau. Tuy nhiên, về cơ bản, nghề Tư vấn Thuế có các nấc thang theo thứ tự sau:

  • Trợ lý tư vấn (Assistant);

  • Tư vấn (Consultant);

  • Trưởng nhóm (Senior);

  • Phó phòng (Assistant Manager);

  • Trưởng phòng (Manager);

  • Trưởng phòng cao cấp/Phó Giám đốc (Senior Manager/Associate Director);

  •  Giám đốc (Director);

  •  Chủ phần hùn (Partner.)

Tuỳ theo kết quả và thành tích công việc và các tố chất lãnh đạo mà các bạn có thể thăng tiến theo lộ trình nhanh hay chậm theo các nấc thang như trên.

 

Blog ACCA_1200x628 copy-1

 

5. Nhận xét của anh về xu hướng tuyển dụng ngành Tư vấn Thuế hiện nay tại Việt Nam? Anh có lời khuyên gì đối với những bạn học trái ngành nhưng muốn rẽ hướng sang ngành Tư vấn thuế hay không? 

Theo anh thì các bạn học các ngành khối Kinh tế và Luật đều có thể ứng tuyển vị trí Tư vấn Thuế. Đối với các bạn không thuộc khối ngành Kinh tế và Luật nhưng muốn ứng tuyển vào ngành Tư vấn Thuế thì các bạn sẽ phải nỗ lực hơn rất nhiều, đồng thời nên đi học thêm các khoá học về Thuế và Kế toán. Xu hướng tuyển dụng sẽ đánh giá cả kiến thức chuyên môn (về Kế toán, Thuế và Kinh tế nói chung) và các kỹ năng mềm (như kỹ năng làm việc theo nhóm, giải quyết vấn đề, ngôn ngữ...) cần thiết cho công việc trong ngành Tư vấn Thuế.

Nhà tuyển dụng thường không yêu cầu chuyên ngành cụ thể cho vị trí Tư vấn thuế mà chủ yếu tuyển dụng những người có tiềm năng và sẽ đào tạo kiến thức chuyên môn và kỹ năng thông qua quá trình làm việc hàng ngày (learning on jobs) và bằng hệ thống đào tạo chuyên nghiệp trong nội bộ công ty.

Cảm ơn anh đã dành thời gian trò chuyện cùng SAPP Academy. Chúc anh thành công trong sự nghiệp của mình!

6. Lời kết

Thuế là một vấn đề quan trọng của bất kỳ doanh nghiệp nào. Đặc biệt, với bối cảnh Việt Nam mở rộng cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài, vị trí Tư vấn Thuế ngày càng cần thiết và đóng một vai trò to lớn trong sự thành công của mỗi dự án đầu tư. Hiểu rõ lộ trình nghề nghiệp và những yêu cầu của nghề là một trong những chìa khóa quan trọng giúp bạn chuẩn bị và thành công trong con đường sự nghiệp sắp tới.

>>> Xem thêm:


[MINI TEST] KIẾN THỨC CHUYÊN NGÀNH THUẾ TRONG ĐỀ THI BIG4