Pathway to strategic business Leader (Con đường trở thành nhà lãnh đạo chiến lược) tiền thân là cuộc thi Pathway to Success, được tổ chức hàng năm bởi EY Việt Nam. Cuộc thi dành riêng cho sinh viên năm 3 trường Đại học Kinh tế Quốc dân với mục đích lựa chọn ra khoảng 20 sinh viên xuất sắc cho kỳ thực tập kèm học bổng hấp dẫn.
Xin chào các bạn, mình là Hoàng Thu Trang, sinh viên năm 3 ngành Tài chính của trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Vừa rồi mình có tham gia cuộc thi “Con đường trở thành nhà lãnh đạo chiến lược của BIG4” và may mắn được lựa chọn trở thành thực tập sinh vào kỳ hè của EY. Mình mong những gì mình chia sẻ dưới đây sẽ có ích cho các bạn khi tham dự cuộc thi này ở các năm sau.
Điểm thay đổi rõ nhất của cuộc thi mà các bạn có thể thấy đó là việc đổi tên từ Pathway to Success thành Pathway to Strategic Leader và đẩy thời gian thi lên tháng 12 thay vì tháng 3 như hàng năm.
Timeline của cuộc thi như sau:
Hình 1: Timeline cuộc thi Nhà lãnh đạo chiến lược 2019
Có thể thấy rằng, cuộc thi năm nay được gói gọn trong chỉ hơn 1 tháng. Thời gian diễn ra sớm và gấp sẽ tạo áp lực chuẩn bị cho các vòng thi đối với các thí sinh.
Đối với cơ cấu giải thưởng, cuộc thi sẽ đem đến hai mươi suất thực tập tại EY cho hai kỳ: tháng 6 - 7 năm 2019 và tháng 12 đến tháng 2 năm 2020. Ngoài ra, yếu tố hấp dẫn còn nằm ở mười suất học bổng miễn phí mở và duy trì tài khoản cũng như phi thi một số môn ACCA cho Top10 bạn xuất sắc nhất.
Các vòng tuyển dụng đều theo chuẩn các vòng thi BIG4 kỳ Internship hay kỳ Fresh bao gồm bốn vòng: vòng hồ sơ, test năng lực, phỏng vấn nhóm và phỏng vấn cá nhân.
Đối với vòng hồ sơ, CV của bạn nên tránh mắc những lỗi cơ bản như bố cục không cân, font chữ không đều hay nội dung sơ sài hoặc quá lan man... Khi thi Con đường trở thành nhà lãnh đạo chiến lược 2019, mình đã cẩn thận nhờ các anh chị có kinh nghiệm thi tuyển BIG4 xem qua và sửa lại CV cho mình trước khi mình nộp đơn chính thức. Mình nghĩ các bạn nên làm như vậy để CV của mình trở nên hoàn chỉnh hơn.
Hầu như các bạn thi cùng đợt với mình đều có CV khá chỉn chu. Hơn nữa, theo mình thấy thì EY cũng không loại quá nhiều CV trong vòng hồ sơ này.
Ngoài ra, EY có tổ chức một buổi Office tour - Thăm quan văn phòng EY, tuy không bắt buộc nhưng mình khuyến khích các bạn tham gia. Không chỉ được hiểu sâu hơn về doanh nghiệp, đặc biệt là các line mới mà EY đưa vào tuyển dụng như FSO, Advisory; bạn còn có cơ hội trò chuyện với gương mặt nổi bật trong cuộc thi từ năm trước. Đối với mình, đây là một cơ hội quý báu để học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước.
Sau khi qua vòng CV, bạn sẽ đến vòng test online, được diễn ra tại trung tâm Anh ngữ tin học trong khu giảng đường Đại học Bách Khoa. Với số lượng khoảng 120 người, EY sẽ chọn ra khoảng 70 người có kết quả tốt nhất để bước vào phòng tiếp theo.
Vòng test diễn ra trong 2 giờ gồm các nội dung như sau:
Mười câu kiến thức xã hội rất thú vị và dàn trải ở nhiều lĩnh vực. Theo mình thấy thì EY hay test những kiến thức xã hội về các sự kiện diễn ra gần đây.
Ví dụ như:
Giải Oscar 2017 dành cho phim có hình ảnh đẹp nhất thuộc về bộ phim nào?
Sự kiện thế vận hội mùa hè Olympic được tổ chức tại đất nước nào?
Người đoạt giải Nobel văn chương năm 2017 là ai?
Ngoài ra, còn có những câu hỏi kiểu Sông nào dài nhất thế giới hay tòa tháp nào cao nhất thế giới.
Hai mươi câu kiến thức kế toán sẽ bao gồm kiến thức của Kế toán Tài chính và Kế toán Quản trị theo tỉ lệ 70:30. Mảng kế toán tài chính gồm các câu hỏi ở mức cơ bản như:
IFRS do tổ chức nào ban hành?
Phân loại expenditure expense hay revenue expense?
Tính toán giá trị hàng tồn kho theo các phương pháp?
Kiến thức Kế toán Quản trị chỉ tập trung vào những câu tính toán đơn giản yêu cầu bấm máy tính như: Dùng High-low method để phân tích chi phí hay Economic order quantity dựa vào số liệu cho trước.
Mười câu kiến thức kiểm toán được lấy từ các past exam môn F8 của ACCA, section A. Các câu đều ở mức độ căn bản và trở ngại duy nhất là khả năng tiếng Anh khi đối mặt với câu hỏi khá dài. Nội dung xoay quanh các mảng kiến thức như:
Hai mươi câu IQ-verbal, theo ý kiến chủ quan thì mình thấy khá dễ và cơ bản. Chỉ khoảng hai câu verbal từ ngữ rất lạ, phải có từ điển may ra mới làm được.
Đề Essay tương tự như phần Writing Task 2 của IELTS: đưa ra luận điểm Agree/ Disagree đối với một vấn đề xã hội. Đề thi hôm đó của mình là: “Bàn luận việc nền Công nghiệp 4.0 có ảnh hưởng tới đời sống không?”. Đề thi khá sát với những xu hướng hiện hành.
Vòng phỏng vấn nhóm (Group Interview) diễn ra trong khoảng 20 phút. Một nhóm gồm 5 - 7 người lần lượt được luân chuyển qua hai phòng khác nhau. Tại phòng đầu tiên, các bạn sẽ được phát mỗi người một mảnh giấy. Tất cả sẽ cùng đưa ra ý tưởng cho một chủ đề chung trong vòng 5 phút. Tiếp theo, từng nhóm sẽ được đưa sang phòng còn lại để mọi người cùng thảo luận về ý kiến của mình trong vòng 10 phút. Sau đó, tất cả sẽ dành ra 5 phút để trình bày.
Đề bài ngày hôm đó của mình là một chủ đề xã hội, có dạng như đề Ielts Writing Task 2: “Can Bitcoin replace dollars?”. Đây là đề thi có nội dung cập nhật với xu hướng hiện nay.
Vòng Final Interview chỉ diễn ra sau đó 5 ngày. Trong thời gian từ 15 đến 30 phút, bạn sẽ được một Manager và một Senior phỏng vấn. Tiến trình cuộc phỏng vấn thông thường sẽ bắt đầu từ: “Em hãy giới thiệu đôi nét về bản thân mình?”. Qua câu trả lời của bạn, người phỏng vấn sẽ tiếp tục phát triển những câu hỏi tiếp theo mà không đi theo khuôn mẫu nào cả. Trong trường hợp của mình, anh phỏng vấn yêu cầu mình nói về bản thân và một điều thật ấn tượng khiến mình nổi bật hơn so với các ứng viên khác.
Câu trả lời mình đưa ra chắc khá ‘fail’ khi anh phỏng vấn đã nói thẳng rằng: “Em chẳng có gì đặc biệt. Tất cả những điều em nói cũng giống y như những gì các bạn khác nói trong vòng phỏng vấn.” Khi đó mình có tò mò về những tiêu chí mà người phỏng vấn coi là “đặc biệt” hay theo như EY gọi là Exceptional. Theo như anh thì EY cần một ứng viên hiểu biết bản thân đến mức sâu sắc, hiểu và coi công việc này như người partner của họ trong cuộc sống vậy. Điều này khá thú vị đối với mình!
Vòng thi khiến mình ấn tượng nhất có lẽ là vòng Phỏng vấn nhóm. Mục đích của vòng phỏng vấn nhóm là quan sát cách thí sinh làm việc nhóm trong điều kiện thời gian tương đối áp lực, từ đó nhìn ra tư duy, khả năng tiếng Anh và tính cách của từng bạn. Điều khó khăn và cũng thú vị nhất là kết nối các mạch tư duy và ý kiến khác biệt của mọi người để tạo thành một sản phẩm của nhóm chỉ trong 10 phút.
Trong buổi thi của mình hôm ấy, có hai vấn đề lớn phát sinh:
Thứ nhất là sự khác biệt về tính cách, quan điểm, năng lực chuyên ngành cũng như trình độ tiếng Anh giữa các bạn trong nhóm. Có bạn thì tiếng Anh yếu hơn nhưng có khả năng lập luận ý tốt. Có bạn quá hiếu thắng và tự tin; cũng có bạn lại quá dè dặt và rụt rè. Có bạn đồng ý rằng Bitcoin có thể thay thế Dollars, có bạn thì không.
Vấn đề thứ hai là việc thiếu rõ ràng trong phân chia vai trò và trách nhiệm của các thành viên trong 10 phút thảo luận. Điều này sẽ dẫn đến việc nói chồng ý lên nhau, cả nhóm rối lên và không thống nhất được ý kiến trong khi không có ai theo dõi xem thời gian đã hết chưa. Nhóm mình rất vất vả mới có thể ghép được ý để tạo thành một bài nói hoàn chỉnh.
Sau buổi phỏng vấn này, mình rút ra được hai kinh nghiệm như sau:
Các vai trò thiết yếu trong một buổi phỏng vấn nhóm bao gồm:
Leader: Tổng kết ý, đưa ra mục tiêu cho team, phân công công việc và sắp xếp bài nói;
Time watcher: Theo dõi và kiểm soát thời gian thảo luận và nói mẫu;
Secretary: Ghi lại các ý các bạn đưa ra;
Language: Đủ giỏi tiếng Anh để chuốt lại các ý của mọi người sao cho chuẩn ngữ pháp và từ vựng hay nhất;
Defense: Đưa ra ý kiến phản biện.
Một nhóm có năm bạn như trên được coi là tương đối hoàn hảo cho một bài thuyết trình nhóm. Trong điều kiện thực tế, một bạn có thể kiêm hai thậm chí ba nhiệm vụ. Hãy hiểu bản thân và lựa chọn ra vai trò phù hợp đối với mình. Bạn cũng đừng quên thành công của đội nhóm sẽ được đánh giá cao hơn sự nổi bật của một cá nhân.
Các kỹ năng viết CV, đa phần mình học được từ khóa học Chuẩn bị tuyển dụng tại SAPP Academy. Trước khi đi thi, mình cũng có cơ hội được chính các anh chị giảng viên đứng lớp sửa CV cho mình nữa.
Theo như mình nghĩ, trong vòng phỏng vấn, các nhà tuyển dụng sẽ đặt ra câu hỏi dựa vào những điểm mà bạn liệt kê trong CV. Đó có thể là về công việc part-time bạn đang làm hay một hoạt động ngoại khóa bạn tham gia. Qua những câu hỏi gợi mở mà nhà tuyển dụng sẽ đánh giá mức độ phù hợp của bạn với nghề nghiệp và văn hóa công ty, khả năng học hỏi cũng như mức độ cam kết với nghề.
Vì mình học chuyên ngành tài chính trên trường nên để có thể làm tốt vòng test online. Mình có học các môn F2, F3 và F8 ACCA để bổ sung kiến thức về Kế toán Tài chính, Kế toán quản trị và Kiểm toán. Ngoài ra mình cũng nâng cao kỹ năng tiếng Anh và đọc thêm về kiến thức xã hội trong những lúc rảnh rỗi.
Kiến thức chuyên môn tốt, tiếng Anh giỏi, có mục tiêu theo đuổi nghề nghiệp lâu dài và một cái “tôi” độc đáo là điều mình tin rằng mọi nhà tuyển dụng, không chỉ tại EY, đều kỳ vọng ở những ứng viên của mình.
Cuộc thi Con đường trở thành nhà lãnh đạo chiến lược 2019 là một trải nghiệm rất đáng giá, không chỉ giúp bạn có được cơ hội thực tập quý giá, mà còn là sự chuẩn bị tiền để dành cho các cuộc thi tuyển dụng BIG4 khác. Do đó mình mong rằng các bạn nếu có cơ hội thì hãy tham dự cuộc thi vào các năm sau nhé!
SAPP cảm ơn bạn Hoàng Thu Trang đã dành thời gian chia sẻ trải nghiệm thi cũng như kinh nghiệm thi "Con đường trở thành nhà lãnh đạo chiến lược" của EY Việt Nam. Chúc bạn sẽ đạt được nhiều thành công trên con đường sắp tới!
>>> Xem thêm: