<img height="1" width="1" style="display:none" src="https://www.facebook.com/tr?id=1718836035006664&amp;ev=PageView&amp;noscript=1">

Thi BIG4 Có Khó Như Ta Tưởng?


Các Tiêu Chí Đánh Giá Nhân Sự Sau Kỳ Thực Tập Tại BIG4

Đối với những bạn thực tập sinh của BIG4, đây có lẽ là thời gian lý tưởng để chúng ta có thể xả stress, vui chơi sau những tháng ngày nỗ lực phấn đấu không ngừng. Tuy nhiên, bạn cũng đừng vì những thành tựu mới đạt được mà lãng quên những mục tiêu lớn lao ở phía trước. Hãy nhớ rằng, bạn đã đi được thành công nửa đoạn đường. Cuộc cạnh tranh sẽ vẫn diễn ra ngay trong thời gian thực tập này để tìm ra những ứng viên phù hợp nhất làm việc chính thức tại BIG4.

Nhằm giúp các bạn có một cái nhìn đầy đủ và có một sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, sau đây SAPP xin bật mí cho các bạn 4 tiêu chí đánh giá năng lực nhân sự mà các BIG thường sử dụng để đánh giá thực tập sinh xuất sắc được giữ lại sau kỳ thực tập.

1. Tầm quan trọng của việc đánh giá lại nhân sự

Có thể nói, nhân sự chính là một trong những yếu tố then chốt quyết định sự thành bại của một doanh nghiệp, công ty. Đối với BIG4, việc đưa ra các vòng thi tuyển dụng khắt khe giúp công ty đánh giá và đưa ra các quyết định tuyển chọn nhân sự chính xác, giúp đảm bảo chất lượng dịch vụ mà BIG4 cung cấp cho khách hàng. Bên cạnh đó, thời gian và chi phí đào tạo nhân sự cũng được cắt giảm khi doanh nghiệp tuyển được những ứng viên phù hợp về mặt năng lực chuyên môn, con người, kỹ năng làm việc.. Quá trình tuyển dụng nhân sự làm việc chính thức có tiêu chí đánh giá nhân sự tương tự như tuyển dụng kỳ Internship tại BIG4 nhưng với yêu cầu khắt khe hơn. Các doanh nghiệp BIG4 hoặc Non-BIG sẽ tiến hành đánh giá lại nhân sự để tìm ra được những ứng viên phù hợp  nhất với công ty. Vậy các tiêu chí đánh giá nhân sự chính của BIG4 là gì?

2. Tiêu chí về năng lực cá nhân

Năng lực chuyên môn cá nhân chính là tiêu chí đầu tiên BIG4 sử dụng để đánh giá nhân viên của mình. Đối với một thực tập sinh, kiến thức chuyên môn và kỹ năng xử lý và trình bày dữ liệu trên Excel chính là hai tiêu chí then chốt để giúp cho bạn nổi bật hơn đồng nghiệp của mình.

2.1. Kiến thức chuyên môn

Trong kỳ thực tập sắp tới, việc đảm nhận các công việc mới chắc chắn sẽ khiến bạn bỡ ngỡ. Vì vậy, để có thể dễ dàng thích nghi với nhịp độ làm việc, bạn cần nắm chắc khung chuẩn mực kế toán - kiểm toán. Đây là mảng kiến thức vô cùng quan trọng giúp bạn dễ dàng làm việc với khách hàng, thu thập bằng chứng kiểm toán và xác minh được các thông tin phản ánh trên báo cáo tài chính có đúng và hợp lý hay không. Tiếp theo, bạn cần nắm rõ các thực hiện thủ tục kiểm toán cơ bản trước thời gian đi thực tập. Việc bạn hiểu rõ yêu cầu công việc thực tế của một trợ lý kiểm toán trước kỳ thực tập sẽ giảm thiểu đáng kể những sai sót có thể mắc phải, cũng như tăng hiệu suất làm việc của bạn.  

2.2. Kỹ năng xử lý dữ liệu

Để hỗ trợ cho staff và senior, các trợ lý kiểm toán cần thu thập bằng chứng kiểm toán và xử lý số liệu tập hợp từ khách hàng. Việc trình bày số liệu kiểm toán trên Working Paper một cách chính xác, rõ ràng và nhanh chóng đối với thực tập sinh kiểm toán là một ưu thế rất lớn.

Working Paper chính là văn bản giao tiếp giữa thực tập sinh kiểm toán, Mentor cũng như Supervisor. Nếu như bạn có thể xử lý và trình bày các Working Paper ấy một cách khoa học, chắc chắn đây bạn sẽ ghi một điểm cộng lớn trước mặt cấp trên của mình.

3. Tiêu chí về con người

Bên cạnh yếu tố năng lực, yếu tố con người - thể hiện đúng mực bản thân là ứng viên phù hợp với phong cách làm việc và văn hóa công ty chính là yếu tố quan trọng thứ 2. Mặc dù mỗi BIG sẽ có một văn hóa khác nhau, song phong cách ăn mặc, kỹ năng giao tiếp và thái độ là việc luôn là các tiêu chí bạn cần lưu tâm hàng đầu.

3.1. Phong cách ăn mặc

Trung bình bạn sẽ có khoảng 5 giây để gây ấn tượng đầu đối với đồng nghiệp, cấp trên khách hàng của mình. Vì vậy, ngoại hình và trang phục chính là yếu tố then chốt để quyết định ấn tượng của người khác về bạn  sau 5 giây ấy. Hãy luôn lưu ý hình ảnh của mình gọn gàngchỉn chu nhất là khi làm việc cùng khách hàng. Nếu không, sẽ chẳng có Senior nào “dám” để cho bạn đi gặp khách hàng đâu!

>>> Tham Khảo: Hướng Dẫn Về Trang Phục Khi Đi Phỏng Vấn Và Làm Việc Tại BIG4.

3.2. Kỹ năng giao tiếp

“Khéo ăn nói sẽ có được thiên hạ”. Câu nói này đặc biệt đúng khi bạn làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp. Hãy luôn luôn chú ý tới lời ăn tiếng nói của mình với khách hàng, đồng nghiệp và cấp trên. Bạn cần giao tiếp và làm việc với đồng nghiệp và khách hàng sao cho dễ mến và hiệu quả, giao tiếp với cấp trên sao cho đúng mực. Rèn luyện kỹ năng giao tiếp chuyên nghiệp trong môi trường công sở bằng việc đọc sách, tham gia khóa học luyện kỹ năng làm việc chuyên nghiệp sẽ hỗ trợ bạn rất nhiều khi tham gia làm công việc nhóm.

3.3. Thái độ làm việc

Thái độ làm việc chuyên nghiệp luôn là yếu tố then chốt để cấp trên đánh giá các thực tập sinh của mình. Bạn hãy luôn giữ thái độ sẵn sàng tiếp nhận và hoàn thành công việc bằng tất cả khả năng của mình. Cùng với đó, deadline cũng là một vấn đề bạn nên lưu tâm. Nếu muốn gây ấn tượng mạnh với Senior của mình, bạn hãy ghi nhớ quy tắc sau: Hoàn thành công việc sớm là đúng giờ, hoàn thành đúng deadline là muộn giờ và nộp muộn deadline là sẽ rất khó chấp nhận.

4. Tiêu chí thị trường và khả năng lãnh đạo

Mặc dù đây không phải yếu tố chính để đánh giá một thực tập sinh, nhưng nó sẽ quyết định bạn có thể gắn bó lâu dài với BIG được hay không.

4.1. Tiêu chí thị trường

Đây là yếu tố được đánh giá dựa trên chất lượng dịch vụ và kết quả làm việc mà bạn cung cấp cho senior của mình. Chất lượng chính là yếu tố quyết định sự gắn kết giữa giữa bạn và team của bạn. Để làm được điều này, bạn cần xây dựng một tác phòng làm việc chuyên nghiệp và tạo một không khí làm việc thoải mái và cầu thị đối với chính đồng nghiệp, cấp trên và khách hàng của mình. Với cách giao tiếp thông minh và rõ ràng với khách hàng, đồng nghiệp và cấp trên qua lời nói, văn bản và báo cáo sẽ giúp bạn nhanh chóng đạt được mục tiêu làm việc và xử lý công việc nhanh hơn, chất lượng hơn.

4.2. Khả năng lãnh đạo

Đây là tiêu chí yêu cầu thực tập sinh, nhân viên của BIG phải bộc lộ được những tố chất có thể dẫn dắt một đội nhóm như khả năng quan sát, quản lý bao quát, biết xử lý nhiều tác vụ cùng một lúc và đôi khi làm nắm bắt được tầm nhìn chiến lược của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, khả năng lãnh đạo còn liên quan tới cách mà bạn quản lý và giữ động lực cho bản thân. Bạn cần có một thái độ nghiêm khắc hơn với mọi việc làm của bản thân, từ deadline, cho tới chất lượng công việc.

5. Tiêu chí học hỏi và phát triển 

Ngoài 3 tiêu chí vừa đề cập trên, BIG4 cũng đánh giá các ứng viên của mình dựa trên các bằng cấp, kiến thức và thái độ cầu thị của các bạn trong việc liên tục cập nhật kiến thức. Thông thường, lộ trình thăng tiến tại BIG4 cho ngành Kiểm toán rất rõ ràng và có yêu cầu các thành tích và bằng cấp liên quan để chứng minh năng lực hành nghề của bạn như ACCA, CPA hay ICAEW. Các chứng chỉ nghề nghiệp là một bằng chứng rõ ràng giúp khẳng định bạn về chuyên môn cũng như mở rộng cơ hội thăng tiến của bạn. Chính vì vậy, theo đuổi một chứng chỉ chuyên môn hoặc tham gia các khóa học nâng cao kiến thức sẽ hỗ trợ bạn rất nhiều trong quá trình làm việc. 

6. Lời kết

Ngành Kế toán - Kiểm toán là một ngành đặc thù với yêu cầu cao về năng lực và kỹ năng của người hành nghề khi lập báo cáo tài chính, đưa ra ý kiến kiểm toán trung thực và hợp lý. Chính vì thế, để nắm bắt cơ hội phát triển và thăng tiến trong ngành này, bạn cần hiểu được các tiêu chí đánh giá nhân sự tại BIG4 là tiền đề phát triển sự nghiệp của mình.

Bài viết này đã tổng hợp lại 4 tiêu chí mà BIG4 thường áp dụng để đánh giá ứng viên trong thời gian thực tập. SAPP mong rằng bài viết vừa rồi đã giúp đỡ các bạn hiểu được các tiêu chí đánh giá nhân sự và bắt đầu chuẩn bị cho kỳ thực tập sắp tới

Chúc các bạn có một kỳ thực tập thành công rực rỡ!

>>> Xem thêm:



Đăng ký tư vấn lộ trình thi tuyển BIG 4

New call-to-action