<img height="1" width="1" style="display:none" src="https://www.facebook.com/tr?id=990286321845477&amp;ev=PageView&amp;noscript=1">

Xây Dựng Kế Hoạch Học Và Thi CFA Level 1

Xây Dựng Kế Hoạch Học CFA Level 1 Kỳ Thi Tháng 06/2020

Kỳ thi CFA Level 1 sắp diễn ra. Nếu bạn đã đăng ký kỳ thi này, bây giờ việc cần làm của bạn là lên kế hoạch chi tiết để sẵn sàng cho chặng đường chinh phục CFA Level 1 khó nhằn. Bài viết này SAPP sẽ trả lời các câu hỏi cho bạn: Tại sao tỷ lệ đỗ kỳ thi CFA Level 1 thường thấp? Bạn cần thời gian bao nhiêu lâu để chuẩn bị cho kỳ thi? Chiến lược và chiến thuật cho kế hoạch học tập là gì? Một kế hoạch học tập như thế nào là tốt?

1. Tại sao tỷ lệ đỗ kỳ thi CFA Level 1 thấp?

Những nguyên nhân của việc tỷ lệ đỗ CFA Level 1 thấp có thể là do:

  • Kiến thức tài chính rộng lớn rất khó để ngấm;
  • Nhiều câu hỏi kỳ thi phức tạp và hóc búa;
  • Thời gian suy nghĩ có hạn cho các câu hỏi;
  • Điểm đỗ tối thiểu ở mức cao;
  • Kiến thức hoàn toàn bằng Tiếng Anh chuyên ngành (thường là trở ngại cho người Việt Nam).

>>> Xem thêm: Học CFA Level 1 Mất Bao Lâu?

2. Bạn cần chuẩn bị thời gian bao lâu cho kỳ thi?

Thông thường 1 ứng viên CFA cần khoảng 300h để chuẩn bị cho kỳ thi CFA Level 1. Đây là khoảng thời gian trung bình và áp dụng theo nó hay không tùy thuộc ở bạn. Sẽ có những ứng viên chỉ cần chuẩn bị trong khoảng 150h (trường hợp này cực kỳ hiếm), và thậm chí cũng sẽ có những người cần dành tới 600h để vượt qua kỳ thi. 

Ví dụ, nếu bạn làm việc trong ngành tài chính, bạn đã được học nghiên cứu về tài chính tại trường đại học và bạn muốn kiểm tra kiến thức của bạn, có thể bạn sẽ thấy 300h là đủ. Tuy nhiên, nếu bạn là một người mới bước chân vào ngành, bạn đang bắt đầu nghiên cứu những cuốn giáo trình hoặc bạn muốn thay đổi lĩnh vực chuyên môn, bạn nên cho phép thời gian chuẩn bị là hơn 300h.

Việc có thể ước tính số lượng giờ bạn cần cho kỳ thi là rất quan trọng. Ước tính này sẽ cho bạn thấy được thời gian trung bình bạn nên dành ra để học trong 1 tháng, tuần và ngày.

3. Trình tự học CFA Level 1 chính thức của viện CFA

Trình tự học các môn học của Viện CFA dành cho Level 1 như sau:

  • Tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp; 
  • Kinh tế lượng;
  • Kinh tế học;
  • Phân tích báo cáo tài chính;
  • Tài chính doanh nghiệp;
  • Quản lý danh mục đầu tư;
  • Thị trường cổ phiếu;
  • Thị trường trái phiếu;
  • Chứng khoán phái sinh;
  • Đầu tư thay thế.

Nhìn chung, đây là cách hợp lý để tiếp cận các chương trình CFA. Sở dĩ sắp xếp theo trình tự này là do: trước tiên, bạn cần bắt đầu với các kiến thức cơ bản (Kinh tế lượng, Kinh tế học, Phân tích báo cáo tài chính), tiếp đến là các kiến thức quan trọng (Tài chính doanh nghiệp, Quản lý danh mục đầu tư, Thị trường cổ phiếu và Thị trường trái phiếu), sau đó kết thúc với một số các môn học thú vị (Chứng khoán phái sinh, Đầu tư thay thế).

Các môn trong CFA (đặc biệt là ở Level 1) phần lớn là độc lập với nhau ngoại trừ môn Kinh tế lượng. Bạn nên học môn Kinh tế lượng trước bởi vì nhiều khái niệm toán học trong môn này sẽ giúp bạn học các môn tiếp theo dễ dàng hơn.

4. Chiến lược và chiến thuật học CFA Level 1

Khi chuẩn bị cho kỳ thi CFA, bạn cần thiết lập tổng thời gian bao nhiêu và khi nào bạn sẽ dành cho các môn học khác nhau, những đề thi thử, ôn tập... Mặt khác, bạn nên sắp xếp một cách có hệ thống lịch trình của bạn và lên kế hoạch trước cho các khoảng thời gian. 

Nếu bạn đăng ký thi CFA Level 1, bạn sẽ cần ít nhất 10-15 giờ để học mỗi tuần. Con số này sẽ tăng lên khi ngày thi tới gần. Hãy sử dụng 2 cuốn vở ghi chép. Cuốn 1 để ghi chép kiến thức, cuốn còn lại để giải bài tập và thi thử. Khi bạn đọc xong một phần nào đó, hãy ghi lại những khái niệm bạn tin rằng sẽ xuất hiện trong đề thi.

Thêm lời khuyên cho bạn là nên làm ít nhất 3-5 đề thi thử dưới điều kiện như thi thật. Vào những tuần bạn không làm đề thi thử, hãy làm 100 câu hỏi (hoặc nhiều hơn, nếu có thể). Các câu hỏi này có thể tìm thấy ở rất nhiều nguồn: Curriculum, Schweser, Kaplan, CFA Candidate Resources…

5. Một kế hoạch học CFA Level 1 như thế nào là hiệu quả?

Bạn có thể thấy 4 môn chiếm tỷ trọng cao nhất ở CFA Level 1 là: Financial Reporting and Analysis (20%), Ethical & Professional Standards (15%), Quantitative Methods (12%) và Economics (10%). Tạm gọi đây là nhóm Big 4 – chiếm hơn 50% tổng số điểm. Sau đây là trình tự học SAPP gợi ý cho bạn:

Học môn dễ trước. Phần lớn các khó khăn, thách thức khi học CFA là ở quá trình bắt đầu nên sẽ dễ dàng hơn rất nhiều nếu bạn học môn bạn cảm thấy đơn giản trước hay bắt đầu với môn liên quan tới công việc hàng ngày của bạn. Chính vì thế, trình tự học đối với các học viên sẽ không giống nhau.

Hãy để dành các môn cần ghi nhớ học cuối cùng. Một số môn, chẳng hạn như môn Đạo đức nghề nghiệp, phụ thuộc nhiều vào việc ghi nhớ chứ không chỉ là hiểu bản chất cơ bản các khái niệm (như trong môn kinh tế lượng). Sở dĩ nên để các môn cần ghi nhớ học cuối cùng vì lúc đó gần tới kì thi và bạn vẫn còn nhớ các khái niệm đó nên thi cử sẽ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nếu không theo dõi các môn học cẩn thận, rất có thể bạn sẽ bỏ lỡ một vài môn học và rồi hoảng loạn nhận ra kì thi đang đến gần. Thế nên nếu muốn tự quyết định trình tự học các môn, hãy chắc chắn rằng lập một lịch trình rõ ràng để không bỏ lỡ bất kì môn học nào.

Còn nếu bạn muốn tự quyết định học môn nào trước thì cũng không ảnh hưởng gì, chỉ nên nhớ hãy theo dõi tiến độ hoàn thành chương trình học và quay lại hoàn thành nốt môn bạn chưa học.

6. Kế hoạch học CFA Level 1 mẫu trong 3 tháng

Ngày 1 – 30: Ethics, FRA, và Economics

  • Ethics:
    Ethics sẽ gồm Codes & Standards, cộng thêm GIPS®. Ethics chiếm tỷ trọng lớn nhất trong CFA Level 1. Những câu hỏi của môn Đạo đức trong cấp độ 1 cực kỳ quan trọng. Nếu điểm của bạn nằm giữa ranh giới Pass và Fail, điểm Ethics có thể sẽ là yếu tố quyết định. Cách học môn Ethics cũng khác với các môn còn lại: bạn hãy làm bài tập càng nhiều càng tốt, và phải học xuyên suốt cả quá trình ôn thi.
  • Financial Reporting Analysis (FRA):

    Bạn bắt buộc phải biết cách đọc và giải thích 3 thành phần của báo cáo tài chính: Bảng cân đối kế toán, Báo cáo thu nhập và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ (balance sheet – BS, income statement – IS, và cash flow statement – CF). Với những bạn học chuyên ngành Kế toán – Kiểm toán, sẽ không gặp khó khăn nhưng với những bạn chưa có kiến thức nền tảng tốt, sẽ mất khá nhiều thời gian để nắm vững được phần này.

    Sau đó, những khái niệm phức tạp hơn sẽ được giới thiệu: Ghi nhận doanh thu - chi phí (revenue-expense recognition), các phương pháp tính toán dòng tiền (cash flow calculation methods), phân tích hàng tồn kho (inventory analysis), phân tích tài sản dài hạn và khấu hao (analysis of long term assets and depreciation) và thuế (tax).

    Đặc biệt, bạn nên chú trọng phần Nợ tài chính (financing liabilities), Tài sản cho thuê (lease) và Những tài khoản ngoại bảng (off-balance sheet items). Những khái niệm này rất phức tạp và khó hiểu nếu bạn mới tiếp xúc lần đầu tiên. Đây được cho là phần khó nhất trong môn FRA CFA Level 1. Môn này sẽ có rất nhiều công thức, vì vậy tốt nhất bạn nên hiểu được logic của chúng và không nên học vẹt.
  • Economics:
    Môn này sẽ nhắc lại những kiến thức về Kinh tế Vi mô và Vĩ mô bạn được học trong trường Đại học.
    - Vi mô tập trung vào kinh tế ở cấp độ doanh nghiệp, tác động của chính phủ, và cấu trúc các thị trường.

    - Vĩ mô tập trung vào chu kỳ kinh doanh, tổng cung – cầu của nền kinh tế (aggregate supply – demand), hệ thống ngân hàng (banking systems), chính sách tiền tệ (monetary policy) và chính sách tài khóa (fiscal policy).

Xong 3 môn này là các bạn đã hoàn thành được gần 50% chương trình, và bạn còn 60 ngày.

Ngày 31 – 40: Quantitative Methods

  • Quantitative Methods:
    Đây là một môn "kiếm điểm" trong Level 1, với 10-15% tổng số điểm và kiến thức không quá khó. Với những bạn theo học chuyên ngành Tài chính/Kinh tế ở trường Đại học, Quantitative Methods sẽ nhắc lại rất nhiều kiến thức trong môn Xác suất – Thống kê và Kinh tế Lượng.

    Các khái niệm chính là Giá trị thời gian của tiền (time value of money), cách tính lợi nhuận – lợi suất (return – yield), các giá trị trung bình (mean – median – mode), độ phân tán (phương sai – độ lệch chuẩn), khoảng tin cậy (confidence interval), và kiểm định giả thuyết (hypothesis testing). Bạn cũng sẽ thấy tỷ số Sharpe (Sharpe ratio), độ tương quan (correlation) và hiệp phương sai (covariance). Những khái niệm này là cơ bản và nền tảng, và sẽ xuất hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau xuyên suốt 3 level. Vậy nên bạn hãy học và nắm vững chúng ngay bây giờ (nếu bạn có kế hoạch dài hạn).

    Ngoài ra, một vài bài tập có thể sẽ gồm nhiều số liệu và ngốn thời gian tính toán, vì CFA yêu cầu bắt buộc sử dụng máy tính chuyên dụng. Hãy luyện tập và sử dụng máy tính thành thạo trước khi ngày thi đến. Cuối cùng, bạn có thể sẽ gặp một vài công thức mơ hồ và phức tạp. Đừng dành quá nhiều thời gian cho phần này. Bạn có thể mất 1 hoặc 2 câu, nhưng nắm vững những khái niệm cốt lõi là đủ để bạn vượt qua môn này.

    Đến đây, bạn đã hoàn thành 65% và còn lại 50 ngày.

Ngày 41 – 55: Equity Investments, Corporate Finance và Portfolio Management

  • Equity Investments:

    Bây giờ thì chứng khoán và thị trường chứng khoán mới xuất hiện – và chiếm 10-15% tổng số câu hỏi. Bạn sẽ học các khái niệm chung về các sàn giao dịch, các chỉ số Index, giao dịch ký quỹ, thuyết thị trường hiệu quả. Thêm vào đó là các phương pháp định giá sử dụng những mô hình cơ bản, phân tích ngành hay xác định Required rate of return (RoR).

    Kiến thức môn này không có gì lắt léo, và có thể hoàn thành trong 5-6 ngày.

  • Corporate Finance:

    Tiếp đến là Tài chính Doanh nghiệp. Nội dung môn này gồm: quản trị vốn (capital budgeting), chi phí vốn (cost of capital), quản lý vốn lưu động (working capital management) và những vấn đề khác trong quản trị doanh nghiệp. Môn này chủ yếu để chuẩn bị cho Level 2, vì vậy các kiến thức rất cơ bản và dễ để học. Hãy chú ý đến những phương pháp quản trị vốn – cách tính toán và những ưu điểm, nhược điểm của từng cách.

  • Portfolio Management:

    Giống như Corporate Finance, Portfolio Management là một phần nữa để chuẩn bị cho Level 2 và đặc biệt là Level 3, với tỷ trọng là 5%. Bạn sẽ gặp lại 1 số công thức trong môn Quantitative như hiệp phương sai của danh mục gồm 2 tài sản. Ngoài ra, bạn nên học những điểm chính của Thuyết danh mục đầu tư hiện đại (modern portfolio theory -MPT) và Mô hình định giá tài sản vốn (capital asset pricing model – CAPM). Trong này sẽ có những đồ thị như CML (capital market line) hay SML (security market line) có thể xuất hiện trong đề thi.

    Đến đây, bạn đã đạt mốc 85% và còn lại 35 ngày.

Ngày 56 – 60: Derivatives

Chứng khoán phái sinh (derivatives) chiếm 5% của bài thi, được đánh giá đây là 1 môn “kiếm điểm“ nữa trong Level 1. Bạn sẽ học qua về forwards, futures, options, swaps và một số ứng dụng cơ bản của chúng trong quản trị rủi ro. Những khái niệm cần nhớ là Put-call parity, đồ thị option payoff và biểu đồ về swap.

Xong phần này, bạn tiến thêm được 5% nữa và còn 25 ngày.

Ngày 61 – 70: Fixed Income và Alternative Investments

Tiếp theo bạn sẽ học về Thu nhập cố định (Fixed Income – FI). Đây là 1 môn học nặng và khó. Bạn sẽ phải hiểu các tính chất cơ bản của chứng khoán có thu nhập cố định, và cách để đánh giá rủi ro của chúng. Trái phiếu là khái niệm đầu tiên được đề cập, cùng với đó là phân tích tín dụng của doanh nghiệp. Tiếp sau đó là những chứng khoán có cấu trúc phức tạp và tinh vi hơn như Chứng khoán thế chấp bằng nghĩa vụ nợ (collateral debt obligation – CDO) hay Chứng khoán thế chấp bằng tài sản (asset backed security – ABS).

Lưu ý, 2 khái niệm Duration và Convexity là những thứ bạn phải hiểu và nắm trong lòng bàn tay ở môn này.

Phần cuối cùng là AI (Alternative investment – không liên quan gì đến trí tuệ nhân tạo), chiếm 5%. Môn này chủ yếu gồm các khái niệm về đầu tư vào kim loại quý (vàng, bạc) hay bất động sản. Những phần tính toán trong môn này sẽ tập trung vào định giá bất động sản.

Vậy là bạn đã hoàn thành 100% giáo trình trong 70 ngàycòn 20 ngày để review và làm đề thi thử.

20 ngày cuối cùng: Review

Nếu bạn tuân theo kế hoạch nêu trên, bạn sẽ còn khoảng 3 tuần để review lại trước khi thi. Đây là khoảng thời gian căng thẳng và áp lực nhất trong quá trình ôn thi. Bạn sẽ phải làm hàng nghìn những câu hỏi luyện tập và ít nhất 2 đề thi thử. Hãy dành hẳn 2-3 ngày để review lại phần Ethics – đây là phần quyết định giữa fail hay pass trong bất kỳ kỳ thi CFA nào.

Trong thời điểm này, thời gian là điều cốt yếu nên bạn cần phải siêu tập trung cho việc ôn thi. Ghi lại những điểm mạnh, điểm yếu của bạn trong từng môn và phân bổ thời gian cho hợp lý.

Đến trước khi thi 2 ngày, các bạn nên nghỉ ngơi, kiểm tra lại những đồ dùng cần phải có khi đi thi. Bạn cũng có thể ghé qua địa điểm thi trước để tránh trường hợp xấu là bị lạc đường trong ngày thi.

7. Lời kết

Hy vọng những thông tin hữu ích trên đây sẽ giúp bạn chuẩn bị thật tốt cho kỳ thi sắp tới. Ngoài ra, hiện tại SAPP Academy đang tuyển sinh khóa học CFA Level 1 tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh với đội ngũ giảng viên 100% CFA Charterholder, cam kết chất lượng đầu ra bằng văn bản, chất lượng giảng dạy, cơ sở vật chất hàng đầu… Nếu bạn đã đăng ký thi CFA sắp tới rồi thì cũng nhanh tay đăng ký học cùng SAPP để thi đỗ ngay từ lần thi đầu tiên.Ưu đãi giảm giá tới 30% học phí cùng rất nhiều phần quà hấp dẫn. Nếu bạn có bất cứ câu hỏi gì, đừng ngần ngại liên hệ SAPP nhé!


 

Đăng Ký Nhận Tư Vấn Khóa Học CFA

New call-to-action