ACCA

Kinh Nghiệm Đỗ 7 Môn ACCA Trong 1 Năm Dành Cho Người Đi Làm Của Trưởng Phòng Kế Toán

Written by SAPP Academy | Apr 3, 2021 11:04:46 AM

Là người đang đi làm lại giữ một vị trí quan trọng trong bộ phận Kế toán của công ty, với công việc luôn luôn bận rộn, chị Phương Thảo vẫn dành thời gian học ACCA và đỗ cùng lúc cả 2 môn trong kỳ tháng 12/2020 cách đây không lâu. Đồng thời, trong năm 2020, chị Thảo cũng đã đỗ tổng cộng 7 môn ACCA. Hãy cùng SAPP xem chị Phương Thảo đã phân bổ thời gian như thế nào để đạt thành tích tốt như vậy nhé. 

Câu 1: Chào chị Phương Thảo, chị hãy giới thiệu một chút về bản thân mình nhé!

Chào các bạn, mình tên là Phan Thị Phương Thảo, hiện tại, mình đang đảm nhận vị trí Trưởng phòng Kế toán cho một công ty thương mại. Mình đã học xong các môn từ F1 đến F8. Công việc hằng ngày của mình là chịu trách nhiệm về nghiệp vụ kế toán và thuế do các kế toán viên hạch toán, thực hiện các báo cáo theo mỗi tháng, quý và năm gửi cho ban lãnh đạo và cơ quan thuế. 

Câu 2: Với công việc bận rộn như vậy, tại sao chị vẫn quyết định thi F6 và F7 trong cùng 1 kỳ? 

Mục tiêu mình đề ra trong năm 2020 là thi đỗ hết 7 môn F, vì vậy mình quyết định thi cùng lúc cả 2 môn để hoàn thành đúng dự định. Ngoài ra, mình cũng muốn nâng cao kiến thức chuyên môn để hiệu quả làm việc được tốt hơn.

>> 600 từ vựng chuyên ngành xuất hiện liên tục trong môn TX/F6 ACCA

Câu 3: Chị Phương Thảo cảm thấy thế nào khi đỗ cùng lúc 2 môn FR/F7 và TX/F6 ACCA trong kỳ thi vừa qua?

Cảm giác thi đỗ 1 lần 2 môn thật sự rất tuyệt, nhưng nếu điểm môn F7 cao hơn một chút thì mình sẽ vui hơn rất nhiều. *cười*

Câu 4: Chị có thể chia sẻ một chút về đề thi TX/F6 kì vừa rồi không?

Phần I của đề vẫn gồm 20 câu trắc nghiệm, riêng phần II thì chia ra các câu nhỏ, không giống cấu trúc cũ đề gồm 6 câu, mà thay vào đó, đề tách ra thành tầm trong khoảng 13 - 14 câu. Tuy nhiên bạn không cần quá lo lắng về cấu trúc đề mới đâu nhé vì mình nghĩ mục đích người ra chia nhỏ các câu hỏi để giúp bạn đỡ bị ngợp, còn về bản chất thì vẫn phải xử lý tình huống trải đều cho các sắc thuế. 

>> 5 Dạng Bài Tập Điển Hình Môn F6 ACCA

Phần CIT, PIT vẫn là trọng tâm của đề thi F6. Năm nay xuất hiện phần trích lập dự phòng (liên quan tới thông tư 48), kiến thức để phân loại trình độ học viên được mở rộng ra nhiều hơn. Lúc nhận đề thi, đề không có sẵn bảng công thức tính thuế PIT nên mình cũng hơi “đơ” một chút, may mà nhớ được cách lập công thức để làm. Bài tập lớn PIT như 1 bảng quyết toán thuế PIT mini cho một công ty nhỏ gồm 4 - 5 nhân viên. Phần tình huống VAT cũng khá hay, sát với các tình huống trong thực tế liên quan tới việc tính doanh thu, xuất hóa đơn, chiết khấu đối với mặt hàng trưng bày.

Câu 5: Trong đề thi FR/F7 vừa rồi, phần nào chị Thảo cảm thấy khó nhất?

Trong đề thi F7, phần thi khó nhất trong đề là phần Financial ratios. Một số câu hỏi trong đề cần liên kết các thông tin dữ liệu để đưa ra nhận định đúng trong bối cảnh của bài thì mình không được tự tin cho lắm. 

>> Bí quyết trở thành Prize Winner môn FR/F7 ACCA trong 4 tháng của Phạm Thành Nam

Câu 6: Chị đã sắp xếp thời gian ôn thi như thế nào để cân bằng giữa việc học và thời gian đi làm?

Về kiến thức, vì các kiến thức 2 môn mình đều xuất hiện trong quá trình mình làm việc, nên bản chất các nghiệp vụ không quá gây khó khăn trong quá trình học, hiểu bài. Điều này cũng là lợi thế giúp mình ôn thi dễ dàng hơn. Tuy nhiên cách trình bày logic và khoa học cũng là 1 phần mà mình cần học hỏi nhiều.

Trong thời gian ôn thi, mình phải tranh thủ thời gian nhất có thể, tối nào rảnh sau khi tan làm thì mình phi thẳng về nhà, sắp xếp việc cá nhân xong thì tầm 9h tối bắt đầu mình ngồi vào bàn, tắt điện thoại và “cày” tới 12h hoặc 1h sáng. Để có thể ôn thi cùng lúc 2 môn hiệu quả, việc lập ra một kế hoạch cụ thể là điều khá quan trọng. Mình chia ra 4 giai đoạn như sau: 

Giai đoạn 1 - Phân tách nhiệm vụ 

Dựa vào giáo trình 2 môn học, mình chia ra các kiến thức cần ôn tập và lên kế hoạch cần bao nhiêu thời gian để học hết kiến thức.

Giai đoạn 2 - Chi tiết hóa các phần trong giáo trình

Lý thuyết phần nào làm luôn bài tập phần đó. Khi làm bài tập những chỗ nào mình làm sai - thì mình sẽ ghi chú lại, để khi tổng hợp kiến thức, biết mình sai đâu để sửa để tránh . 

Phần bài tập lớn mình làm trên excel, mình chia ra các sheet nhỏ, việc này giúp mình dễ theo dõi những phần sai sót hơn. 

Theo mình, bạn nên đọc qua chuẩn mực VAS của Việt Nam để có cái nhìn tổng quan trước khi tiếp cận với IFRS. Vì theo mình biết, VAS cũng dựa vào IAS, IFRS để biên soạn, sửa đổi lại phù hợp hơn trong nền kinh tế Việt Nam. 

Giai đoạn 3 - Lưu ý những phần quan trọng 

Sau khi học hết lý thuyết, làm bài tập thực hành, mình sẽ tổng hợp lại những phần mình hay sai và những kiến thức chính không thể bỏ qua, đây là chìa khóa giúp mình khi làm đề thi tránh được sai sót và làm bài tốt hơn. 

Giai đoạn 4: Luyện đề

Ở giai đoạn này, mình làm đề thi thử nghiêm túc như khi vào phòng thi thật, việc làm đề nghiêm túc sẽ giúp bạn đúc rút kinh nghiệm cho việc phân bổ hãy thật với thời gian, cách trình bày sao cho hợp lý. Ngoài ra, khi luyện đề thi thử trên máy tính, cũng giúp mình “quen mắt” khi đọc đề để đi thi thật đỡ bị ngợp. 

Trên đây là một chút chia sẻ của mình về kinh nghiệm học thi 2 môn F6, F7 ACCA, chúc các bạn thi tốt trong những kỳ thi tới.

SAPP hiểu rằng khi đi làm và phải học thêm ACCA, chị Thảo sẽ phải hy sinh thời gian đáng ra có thể được đi chơi, nghỉ ngơi để ôn thi với mong muốn có kết quả tốt. Nhưng thành quả sẽ xứng đáng với những mong đợi của chị Thảo. Chúc chị ngày càng thành công trong cuộc sống và sớm trở thành hội viên ACCA trong tương lai.